Phần đất ông T. thỏa thuận phân chia cho các con theo di chúc. |
Ở tuổi ngoài 80, nhưng vợ chồng ông T.V.T. (ở phường Thới An, quận Ô Môn) vẫn còn minh mẫn, sáng suốt. Vừa qua, ông bà quyết định lập di chúc để phân chia tài sản cho các con. Ông T. cho biết: “Vợ chồng tôi đã tạo dựng được một khối tài sản kha khá. Nay, chúng tôi đã tuổi cao, sức yếu, nên lập di chúc, phân chia tài sản cho các con. Tôi nghĩ chính sự rạch ròi này sẽ hạn chế được việc tranh chấp không đáng có phát sinh về sau”. Hiện nay, trình độ dân trí của người dân không ngừng được nâng lên. Trường hợp như vợ chồng ông T. không hiếm. Tuy nhiên, trên thực tế, vì lý do nào đó, vẫn còn không ít trường hợp không lập di chúc, khi những người đồng hàng thừa kế phát sinh tranh chấp, sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Bên cạnh trường hợp không để lại di chúc, cũng có trường hợp để lại di chúc, nhưng việc lập di chúc không đảm bảo theo quy định pháp luật, cũng dẫn đến tranh chấp di sản thừa kế. Trường hợp của ông V.H.L. (ở phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) là một ví dụ. Lúc sinh thời, cha mẹ ông L. có tạo dựng tài sản gồm nhà và đất, tổng diện tích khoảng 10 công đất vườn trồng cây ăn trái. Ông bà có tất cả 8 người con. Lúc đầu, họ thuận thảo, nhường nhịn và chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Thế nhưng, khi ông bà lần lượt qua đời, tình thâm giữa anh, chị em ông L. dần sứt mẻ, thậm chí phát sinh tranh chấp, đòi chia di sản thừa kế. Ông L. cho biết: “Khi còn sống, cha tôi có thỏa thuận lập di chúc cho vợ chồng tôi một nền nhà và một phần đất vườn. Di chúc này được lập thành văn bản, được chính quyền địa phương chứng thực. Tuy nhiên, sau khi cha tôi mất, em ruột tôi không đồng ý giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để tôi thực hiện thủ tục tách thửa đất. Từ đó, tranh chấp thừa kế giữa chúng tôi đã phát sinh. Bất đắc dĩ, tôi buộc lòng phải nhờ đến chính quyền và ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật”.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Trong các hình thức di chúc bằng văn bản, có loại di chúc bằng văn bản có chứng thực do người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn chứng thực...
Các vụ việc tranh chấp tài sản phát sinh nhiều sẽ gây mất ổn định trật tự xã hội. Khi đó, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương phải tốn nhiều công sức, thời gian để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Biện pháp hiệu quả nhất hiện nay nhằm ngăn chặn tranh chấp di sản thừa kế là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dân biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phân chia, thỏa thuận tài sản.
Tác giả: CHẤN HƯNG
Nguồn tin: Báo Cần Thơ