![]() |
Xung đột mới nổ ra ở biên giới Thái Lan - Campuchia khiến nhiều người phải di dời. Ảnh minh họa Reuters. |
Quyền Thủ tướng Thái Lan, Phumtham Wechayachai, đã cảm ơn ông Trump về nỗ lực hòa giải và cho biết Thái Lan “đồng ý về nguyên tắc lệnh ngừng bắn”, nhưng cũng nhấn mạnh rằng họ mong muốn thấy “thiện chí chân thành” từ phía Campuchia. Ông Phumtham đã trả lời một loạt bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump, trong đó Tổng thống Mỹ cho biết đã trao đổi với cả Thủ tướng Campuchia Hun Manet và ông Phumtham, cảnh báo rằng Mỹ sẽ không ký kết thỏa thuận thương mại nếu xung đột tiếp diễn.
Ông Trump cho biết trong một bài đăng: “Cả hai bên đều mong muốn đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình ngay lập tức”. Ông cũng chia sẻ rằng Thái Lan và Campuchia đã đồng ý gặp nhau để bắt đầu đàm phán.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các cuộc đụng độ, kêu gọi cả hai bên ngay lập tức đồng ý ngừng bắn và giải quyết vấn đề qua đối thoại. Ông cũng lên án “những mất mát bi thảm và không đáng có về sinh mạng”.
Bên cạnh đó, Malaysia, với vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng tiếp tục thúc đẩy đề xuất ngừng bắn và đã nhận được sự ủng hộ từ Campuchia. Thái Lan cho biết họ đồng ý về nguyên tắc nhưng muốn các biện pháp cụ thể từ phía Campuchia.
Xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đã kéo dài trong nhiều thập kỷ, chủ yếu xoay quanh quyền sở hữu các ngôi đền Hindu cổ như Ta Moan Thom và Preah Vihear. Tòa án Công lý Quốc tế đã trao quyền sở hữu Preah Vihear cho Campuchia vào năm 1962, nhưng căng thẳng leo thang vào năm 2008 khi Campuchia đề nghị đưa ngôi đền này vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Campuchia gần đây đã yêu cầu Tòa án Quốc tế giải quyết tranh chấp, trong khi Thái Lan từ chối công nhận thẩm quyền của tòa án và ủng hộ giải quyết thông qua đối thoại song phương.
Tác giả: Duy Tiến
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân