Tin địa phương

Cần Thơ: Chủ động ứng phó với mùa khô hạn, xâm nhập mặn

Nhằm ứng phó tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện trong các tháng 2, 3 âm lịch, TP. Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó như tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn và khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý,...

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay dòng chảy sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn. Dòng chảy về đồng bằng giảm nhanh các tháng đầu mùa kiệt, mặn đã lên sớm ở tháng 12-2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 2-2023.

Cụ thể, vùng thượng ÐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ), trong tháng 2 có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Ðồng thời, mực nước bình quân có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm 10cm. Vùng giữa ÐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) thì khu vực ven sông Tiền và sông Hậu có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường ở tháng 2 và mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 45-60km ở một số địa phương, nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Cần Thơ chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Theo các chuyên gia, tiềm năng nguồn nước về ÐBSCL mùa kiệt 2023 được xem là có thuận lợi. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào vận hành thủy điện trên lưu vực nên nguồn nước cho sản xuất được dự báo ở mức tương tự như ở năm 2020-2021. Khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy do vận hành thủy điện gây ra. Vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Đồng thời, vùng thượng ÐBSCL, nguồn nước thuận lợi, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn. Vùng giữa ÐBSCL, nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển ÐBSCL, xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo, xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay tương tự như năm 2020-2021, mặn bất thường có thể xảy ra do vận hành thủy điện. Ðể đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao. Song song đó là tăng cường công tác giám sát mặn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Đối với TP. Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết, tại TP. Cần Thơ, hàng năm xâm nhập mặn vào thành phố chủ yếu theo hướng từ sông Hậu, do thủy triều đẩy mặn từ biển vào. Mặn chủ yếu xuất hiện trong các đợt triều cường và ảnh hưởng đến các quận, huyện có vị trí địa lý nằm cặp theo sông Hậu (giáp với tỉnh Hậu Giang) như quận Cái Răng...

Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 trên địa bàn, UBND TP. Cần Thơ đề nghị các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện và ban chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt một cách phù hợp nhất.

Ngoài ra, vận hành hiệu quả các trạm quan trắc mặn được lắp đặt trên địa bàn thành phố; tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy và bơm tát dự trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.

Tác giả: Vũ Thanh

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP