Kinh tế

Nhiều doanh nghiệp thủy sản lọt vào top 'xuất khẩu uy tín'

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020. Trên cơ sở đề xuất của 60 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh/thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 315 doanh nghiệp (DN) ở 26 ngành hàng.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trong số 315 DN được phê duyệt, ngành thủy sản chiếm nhiều nhất với 44 DN; tiếp đến là ngành dệt may với 43 DN; ngành gạo có 27 DN; ngành sản phẩm chất dẻo 21 DN; cao su 20 DN; hạt điều 18 DN; rau-củ-quả và các sản phẩm từ rau-củ-quả 17 DN; vật liệu xây dựng 14 DN; cà phê 13 DN; hạt tiêu 12 DN.

Các ngành còn lại có số lượng DN 1 con số, như ngành gỗ có 9 DN; ngành xơ-sợi dệt các loại cũng có 9 DN; ngành cơ khí 8 DN; thủ công mỹ nghệ có 7 DN; ngành chè có 6 DN; giày dép 6 DN; điện thoại và linh kiện 6 DN…

Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…

Theo Bộ Công Thương, đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Bộ Công Thương hy vọng các DN xuất khẩu uy tín Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp thế giới.

Cùng với chế biến, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp không ít khó khăn. Ảnh tư liệu: Thu hoạch cá tra. Ảnh: CK

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản khẳng định được vị thế hiện nay là nhờ rất lớn vào sự đầu tư lớn của các DN vào cả khu vực chế biến lẫn nuôi trồng thủy sản và áp dụng để được cấp các chứng nhận quốc tế về phát triển thủy sản bền vững trong tất cả các khâu như tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BAP...

Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh lĩnh vực chế biến, đại dịch COVID-19 đã làm lĩnh vực nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề, cần được nhà nước hỗ trợ mới có thể duy trì, tái đầu tư… làm nền tảng cho công tác marketing bán hàng của DN mới có thể giữ vững vị thế của thủy sản Việt Nam trên thương trường.

“Với ngành thủy sản, nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi mà không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Ngành nuôi trồng thủy sản là một ví dụ, không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng, nông dân nuôi tôm/cá không còn cơ hội và cực kỳ khó khăn…” – VASEP cho biết.

Tác giả: Cảnh Kỳ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP