Trong nước

TP HCM: Mảng tối ở dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Sau thời gian đổ cho UBND TP HCM chậm ký xác nhận khiến công trình phải dừng, khi bị phanh phui sử dụng thép Trung Quốc, chủ đầu tư lại đẩy lỗi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP

Việc chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép từ thép thuộc các nước G7 sang thép Trung Quốc cho hạng mục cơ khí cửa van ở các cống kiểm soát triều thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là một trong những nội dung mà đoàn kiểm tra do UBND TP HCM mới thành lập sẽ làm rõ.

Sở đồng ý thì doanh nghiệp mới làm!

Theo Tư vấn giám sát hợp đồng gồm: liên danh Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam - Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Hàng hải (CMB) - Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thăng Long 12 thì khi thi công các hạng mục cơ khí cửa van ở các cống kiểm soát triều, chủ đầu tư đã cố tình… vượt rào.

Cụ thể, Tư vấn giám sát hợp đồng phát hiện chủ đầu tư thay đổi thép từ thép thuộc các nước G7 sang thép Trung Quốc là vi phạm điều 17 của hợp đồng BT đã ký. Đơn cử, ở gói thầu thi công xây dựng cống kiểm soát triều Mương Chuối, trong báo cáo đánh giá về giá trị khối lượng hoàn thành, tư vấn giám sát nhận thấy một số hạng mục kết cấu xây dựng lớn của cống Mương Chuối có sự thay đổi lớn giữa bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt và thực tế thi công tại hiện trường và trong hồ sơ đề nghị thanh toán. Điều đáng nói là việc thay đổi này chưa được TP chấp thuận và phê duyệt. Nếu xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành để làm cơ sở giải ngân, TP sẽ gánh chịu rủi ro về pháp lý và rủi ro về chi phí phát sinh dự án.

Cống kiểm soát triều Mương Chuối có nhiều thay đổi giữa bản vẽ thiết kế thi công được duyệt so với thực tế

Điều đáng chú ý nữa là trong thông báo kiểm toán số 314 của Kiểm toán Nhà nước cũng đã nêu rõ: Việc thay đổi vật tư chế tạo chưa được lập và trình UBND TP phê duyệt theo quy định tại điều 17 của hợp đồng BT. Do đó, nhà đầu tư/ doanh nghiệp dự án cần phải thực hiện đúng theo điều 17 của hợp đồng BT, tức là phải có sự chấp nhận, phê duyệt của UBND TP khi sử dụng thép Trung Quốc để chế tạo cửa van cho công trình này. "Đối với tiêu chuẩn thép chế tạo cửa van, nhà đầu tư dự án áp dụng tiêu chuẩn thép Trung Quốc không có trong danh mục tiêu chuẩn được phê duyệt tại phụ lục ban hành kèm Quyết định số 5967 của UBND TP. Trong khi đó, nếu chiếu theo khoản 3, điều 6 Luật Xây dựng 2014 thì nhà đầu tư phải trình các tiêu chuẩn cho UBND TP phê duyệt và chấp nhận thì mới được áp dụng trong thực tế" - báo cáo nêu.

Ngày 12-9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group, thừa nhận toàn bộ máy móc, thiết bị của dự án đều mua ở các nước G7, chỉ hạng mục cửa van là dùng thép Trung Quốc. Lý giải về điều này, ông Tiến thông tin loại thép theo tiêu chuẩn này ở Việt Nam không sản xuất, đi mua của Nhật hoặc của Đức thì quá đắt nên đã chọn thép của Trung Quốc nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra. "Doanh nghiệp khi mua thép của Trung Quốc thì khai báo đầu vào là thép Trung Quốc chứ không phải hợp đồng ghi thép G7 nhưng mua thép Trung Quốc về rồi tính tiền là thép G7. Chúng tôi đã xin UBND TP được vận hành dự án này trong vòng 15 năm vì rất tin tưởng vào thiết bị, máy móc là trái tim của dự án đều mua từ châu Âu hết, chỉ riêng cửa van là thép Trung Quốc" - ông Tiến thông tin.

Ông Tiến khẳng định doanh nghiệp chỉ thực hiện việc thay đổi thép khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP thẩm định và đồng ý (!?).

Phải làm rõ

Trao đổi với chúng tôi về việc thay đổi vật liệu trong quá trình thi công dự án, các chuyên gia cho rằng việc này là hết sức nghiêm trọng và phải làm rõ trắng đen chứ không thể cho qua dễ dàng, vì đây là dự án được đầu tư với số tiền từ ngân sách rất lớn: 10.000 tỉ đồng. "Theo quy trình, tư vấn thiết kế phải thuyết minh lý do thay đổi vật liệu, lý do đó có đúng với thực tiễn hay không, phù hợp với nhu cầu của chủ đầu tư hay không. Tiếp đó, tư vấn thẩm tra phải có ý kiến và ràng buộc điều kiện để thay đổi đó là không được làm xấu hơn mà phải tốt hơn hoặc bằng vật liệu cũ. Và điều quan trọng là việc thay đổi vật liệu có làm thay đổi tuổi thọ thực tế mà công trình đặt ra ban đầu hay không. Khi chưa làm rõ những điểm này mà đã tiến hành thì rõ ràng là cần phải làm rõ động cơ" - các chuyên gia phân tích.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, đưa ra quan điểm cần phải có một báo cáo làm rõ các vấn đề về việc thay đổi vật liệu thép và trình cho người có quyết định đầu tư là UBND TP. Nếu TP giao cho Sở NN-PTNT thì TP không chịu trách nhiệm, còn nếu ủy quyền thì vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm. Đáng lẽ ra, khi thay đổi, Sở NN-PTNT TP phải chủ trì mời các sở, ngành khác đến để nghe nhà đầu tư thuyết minh và đóng góp ý kiến thì sẽ chặt chẽ hơn.

Một giảng viên chuyên ngành vật liệu xây dựng thuộc Trường ĐH Bách khoa TP cũng đồng tình cần phải làm rõ lý do vì sao thay đổi vật liệu và có được TP cho phép hay không (?). Mặt khác, loại thép mới có đặc tính tương đương với loại thép đã được phê duyệt hay không như lời chủ đầu tư nói cũng là vấn đề đáng bàn. "Để đánh giá được vấn đề này phải có hội đồng xét duyệt chứ không thể đơn giản như trên" - vị giảng viên nhấn mạnh.

Trungnam Group cho biết sẽ tổ chức buổi họp báo trong hôm nay (13-9) để nói rõ việc thay đổi thép ở hạng mục cửa van của các cống kiểm soát triều.

Tác giả: SỸ ĐÔNG

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP