Làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM chiều 13/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đang bàn hướng không thu học phí đối với cấp THCS, dự kiến sẽ triển khai từ năm sau. Việc này đã được giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, thông qua vào cuối năm nay.
"Quan điểm của thành phố là mọi người đều có quyền học, mọi người phải có trách nhiệm cho con em đi học", ông khẳng định.
Miễn học phí THCS là một trong những đề xuất của Bộ Giáo dục, nằm trong đề án Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ, Tài chính không chấp thuận bởi cho rằng thời điểm này chưa phù hợp, làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Năm 2017, TP HCM thu được 351 tỷ đồng học phí bậc THCS.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm trường THPT Lương Thế Vinh chiều nay. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Về kế hoạch xây thêm trường tại các quận nội thành nhưng không còn quỹ đất, ông Nguyễn Thiện Nhân giao lãnh đạo Sở Xây dựng và Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu, triển khai đề xuất của ngành giáo dục là nâng cao tầng của các ngôi trường, phù hợp thực tế tại khu dân cư đông đúc.
Người đứng đầu Thành uỷ TP HCM cũng yêu cầu ngành giáo dục chuẩn bị kế hoạch, làm việc cụ thể với Bộ Giáo dục về ý tưởng tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT riêng. Ngoài ra, Sở cần có cơ chế đánh giá, xếp loại giáo viên theo cách riêng, thể hiện vị thế quan trọng của nghề giáo.
Báo cáo với lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục Lê Hồng Sơn cho biết, với đặc thù số lượng người nhập cư tăng, mỗi năm thành phố có thêm khoảng 60.000 học sinh. TP HCM luôn dành ngân sách để xây thêm trường, lớp nhằm đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh (mỗi năm xây thêm trên 1.000 phòng học).
"Tăng phòng học là phải tăng biên chế giáo viên đáp ứng nhưng Sở đang gặp khó khăn do phải được chấp thuận của Bộ Nội vụ", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhìn nhận, cơ chế đổi mới giáo dục của thành phố còn chậm so với cơ chế đổi mới kinh tế. Tốc độ phát triển giáo dục và nguồn nhân lực của ngành chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, hội nhập.
Tác giả: Mạnh Tùng
Nguồn tin: Báo VnExpress