Trong báo cáo vừa gửi Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND TP HCM cho biết, hiện Bộ Tư lệnh thành phố đang quản lý, sử dụng 64 vị trí đất quốc phòng với tổng diện tích hơn 3,1 triệu m2. Các vị trí trên không sử dụng vào mục đích kinh tế, chủ yếu là đất trụ sở doanh trại, hệ thống công trình chiến đấu, thao trường huấn luyện tổng hợp và đất di tích lịch sử.
Tương tự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố đang quản lý gần 113.000 m2 vào mục đích quốc phòng.
Đối với các đơn vị quốc phòng khác (quân khu, quân binh chủng...), UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp, rà soát nhưng đến nay chưa nhận được báo cáo.
157 ha đất quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất (Bộ Quốc phòng quản lý) đang được sử dụng làm sân golf. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Theo UBND TP HCM, đất quốc phòng sử dụng vào mục đích kinh tế từ trước đến nay đều do Bộ Quốc phòng quyết định; chưa có thông tư liên tịch giữa Bộ Quôc phòng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc phối hợp kiểm tra loại đất này nên chính quyền thành phố cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Từ đó, UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường thống nhất với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền quản lý, báo cáo Thủ tướng; đồng thời thông tin để thành phố theo theo dõi, quản lý.
Hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Trong đó, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và đặc thù chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; báo cáo Thủ tướng trong quý II.
Các bộ ngành, địa phương cũng được giao kiểm tra, rà soát tình hình quản lý và sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước, nếu có dấu hiệu sai phạm (sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc quản lý không chặt để bị lấn, bị chiếm đất) thì kiên quyết xử lý. Người đứng đầu những nơi để xảy ra sai phạm phải bị xử lý trách nhiệm. Báo cáo kết quả với Thủ tướng trước ngày 30/11.