Kinh tế

Tài xế xe ôm công nghệ ‘quay cuồng’ với chiết khấu

Sau khi một hãng xe ôm công nghệ giá rẻ nâng mức chiết khấu lên gấp đôi, các bác tài than trời vì thu nhập giảm.

Những ngày gần đây, câu chuyện một bác tài xe ôm công nghệ của hãng Go-Viet viết bức tâm thư đăng lên diễn đàn Cộng đồng tài xế công nghệ Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều tài xế cùng cảnh ngộ. Bức tâm thư kể về thời gian gắn bó với hãng và việc tăng chiết khấu về hãng từ 10% lên 20% (áp dụng ngày 6-3) khiến bác tài này hụt hẫng.

“Tôi đăng ký Go-Viet từ những ngày đầu triển khai chạy thử nghiệm và kỳ vọng vào những lời hứa hẹn của Go-Viet như chiết khấu cố định ở mức thấp nhất. Rồi thì luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh em tài xế và từ đó tôi cũng đặt niềm tin vào hãng rất nhiều” - tâm thư tài xế Nguyễn Văn Huy Tường viết.

Cũng theo lời anh Tường, gần đây anh rất thất vọng khi Go- Viet càng ngày càng đi ngược lại tiêu chí như chiết khấu thu cao, tiền giá cước thì rẻ, ứng dụng lỗi,...

“Tôi đồng ý đã kinh doanh thì phải có lãi và tôi cũng không đòi hỏi phải trông chờ Go-Viet hoặc ai cho không tôi một thứ gì mà tôi không đổ mồ hôi và công sức để làm ra. Chỉ mong hãng tính toán điều chỉnh thu chiết khấu hoặc điều chỉnh giá sao cho hợp lý với công sức và chi phí xăng xe anh em bỏ ra” - anh Tường chia sẻ.

Xe ôm công nghệ hiện đang rất phổ biến ở các TP lớn. Ảnh: HTD

Nhiều tài xế Go-Viet khác cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi thu nhập giảm nhiều. Ví dụ: Cùng một tuyến đường, hãng xe ôm công nghệ khác có giá cao hơn Go-Việt nhưng chiết khấu hai hãng lấy của tài xế là như nhau (20%). Vậy tất nhiên người chạy hãng kia sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Việc bác tài lựa chọn hãng nào chạy cũng có một phần lý do và mỗi hãng đều có cái lợi riêng của mình. Điển hình Go-Viet khi mới vào thị trường thì thu chiết khấu rất thấp, nhiều bác tài đã bỏ hãng khác qua đầu quân hãng này.

Tuy nhiên, khi nguồn thu giảm, nhiều bác tài Go-Viet cũng đang tiến thoái lưỡng nan khi muốn quay về chạy cho hãng cũ cũng không có cơ hội.

“Trước đây tôi đăng ký cả hai ứng dụng là Go-Việt và hãng kia chạy song song. Nhưng sau đó thì bị hãng kia phát hiện, họ khóa tài khoản vĩnh viễn nên giờ tôi chỉ chạy được Go-Việt” - anh Minh Thắng, một tài xế Go-Viet, nói.

Trao đổi với PV, đại diện Go-Viet cho biết đã có thông báo rõ ràng với đối tác tài xế về chính sách thu phí dịch vụ (chiết khấu) cũng như lộ trình để áp dụng chính sách này.

“Đối tác tài xế là một trong những trụ cột quan trọng trong mô hình vận hành của chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi cam kết cung cấp cho họ những cơ hội có thu nhập ổn định cũng như sự minh bạch về quyền lợi” - đại diện Go-Viet giải thích thêm.

Vị đại diện này cũng cho hay hãng đang hợp tác với các tài xế theo hình thức cung cấp nền tảng dịch vụ để kết nối nhu cầu của người sử dụng dịch vụ với bên đối tác cung cấp dịch vụ là các tài xế. “Đây là hình thức kinh tế chia sẻ vốn đã phổ biến trên thế giới. Nền tảng công nghệ này cho phép tài xế có thể tối ưu hóa thời gian chạy xe để tăng thêm thu nhập” - đại diện này nói.

Hãng này cũng cho biết đang phát triển những gói hỗ trợ đối tác tài xế một cách tốt nhất với một tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe tâm tư, nhu cầu của họ.

Theo chia sẻ của các bác tài xe ôm công nghệ, trước đây khi các hãng mới vào, thu chiết khấu thấp, chính sách thưởng dễ dàng thì tài xế có thu nhập khá tốt, có khi lên tới 500.000- 700.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, hiện nay các hãng siết thưởng khắt khe hơn, thu nhập tài xế cũng giảm. Hiện mức chiết khấu của các hãng xe ôm công nghệ ở Việt Nam khoảng 20% đến dưới 30%.

Tác giả: KIÊN CƯỜNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: Go-Việt , xe ôm công nghệ , Grab , Uber

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP