Du lịch

'Cơn sốt' cà phê nông thôn ở Trung Quốc

Hàng chục nghìn quán cà phê mọc lên ở các vùng nông thôn Trung Quốc, thu hút du khách thành thị bởi cảnh đẹp và không gian 'sống ảo', song dấy lên lo ngại về tính bền vững và nguy cơ bão hòa.

Du khách check-in tại Gelien Coffee. Ảnh: @pearmai_trw.

Cà phê trở thành một phần trong nhịp sống hiện đại, không chỉ ở thành phố mà còn lan rộng về nông thôn Trung Quốc.

Thay vì chen chúc trong những quán cà phê giữa đô thị ồn ào, ngày càng nhiều người tìm đến những quán nhỏ giữa núi rừng, cánh đồng hoặc làng quê để nhâm nhi một tách cà phê trong khung cảnh yên bình, theo SCMP.

Asa Jin, 37 tuổi, một freelancer sống tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, là một trong số đó.

Cô hiếm khi quay lại quán cũ lần thứ 2. Sau khi uống cà phê, chụp vài bức ảnh check-in, Asa lại lên đường tìm quán mới, nơi có thể mang đến khung cảnh "độc lạ" cho những bức ảnh đăng mạng xã hội.

"Nhiều quán cà phê nông thôn chạy theo trào lưu, nhắm tới giới trẻ thích chụp ảnh. Nhưng cảm giác mới lạ chỉ đến một lần rồi mất, khó có thể giữ chân khách quay lại", Asa nói.

Du khách ngắm cảnh tại quán Deep Blue ở huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng cà phê nhập khẩu ròng của nước này đã tăng hơn 130.000 tấn trong giai đoạn 2020-2024, tức gấp 6,5 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 65% mỗi năm.

Ngành công nghiệp cà phê hiện có giá trị khoảng 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) và tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong năm nay.

Các quán cà phê vùng ven, còn được gọi là cà phê nông thôn, đang trở thành một phần trong chiến lược "chấn hưng nông thôn" mà chính quyền Trung Quốc thúc đẩy. Chính sách này nhằm tạo việc làm, kích cầu tiêu dùng tại địa phương và thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn.

Một ví dụ điển hình là Deep Blue, quán cà phê tại huyện An Cát (tỉnh Chiết Giang), hoạt động theo mô hình "2 đầu tư, 3 thu lợi". Người dân địa phương vừa cho thuê đất, vừa làm việc tại quán và nhận cổ tức, qua đó trực tiếp hưởng lợi từ sự phát triển du lịch.

Sự thành công của mô hình này khiến số lượng quán cà phê nông thôn tăng chóng mặt. Riêng huyện An Cát với dân số 600.000 người đã có hơn 300 quán cà phê – mật độ còn cao hơn cả Thượng Hải, nơi có dân số gấp 40 lần.

Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, nước này hiện có hơn 40.000 quán cà phê mọc lên ở các vùng ngoại ô, nông thôn. Tuy nhiên, khi số lượng quán tăng nhanh hơn nhu cầu uống cà phê, vấn đề bắt đầu xuất hiện.

"Tốc độ mở quán vượt xa tốc độ tăng của nhu cầu, khiến lợi nhuận ngành cà phê nông thôn ngày càng bị co hẹp", giáo sư Li Bin từ Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương cảnh báo.

Gelien Coffee nổi tiếng nhờ không gian nhân tạo mô phỏng phong cảnh Thụy Sĩ. Ảnh: @pearmai_trw.

Tại huyện Đức Bình gần An Cát, quán Gelien Coffee từng nổi tiếng nhờ không gian nhân tạo mô phỏng phong cảnh Thụy Sĩ, trở thành điểm đến được săn đón trên nền tảng đánh giá Dianping.

Tuy nhiên, gần 30% đánh giá ở mức trung bình hoặc tiêu cực, với các bình luận như "cà phê dở", "chỉ hợp chụp ảnh", "giống cà phê gói hòa tan". Chủ quán từ chối bình luận về các đánh giá này.

Theo thống kê, có tới 98% quán cà phê nông thôn ở tỉnh Chiết Giang chọn thiết kế dựa trên "không gian thiên nhiên". Tuy nhiên, sự giống nhau về không gian, mô hình kinh doanh và nội dung truyền thông đang khiến ngành này đứng trước nguy cơ bão hòa.

"Phát triển du lịch văn hóa nông thôn đã đến giai đoạn bão hòa. Mô hình rập khuôn, thiếu bản sắc địa phương là rào cản lớn nhất với tăng trưởng dài hạn", giáo sư Li nhận định.

Ông cho rằng chính sách phát triển du lịch vùng cần đi sâu vào khai thác văn hóa địa phương, tạo môi trường kinh doanh thân thiện và thúc đẩy mô hình khác biệt. Từ đó, các quán cà phê nông thôn không chỉ là nơi để chụp ảnh, mà còn trở thành một phần thực sự trong đời sống và kinh tế địa phương.

Tác giả: Đan Châu

Nguồn tin: lifestyle.znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP