Không cẩn thận, khi tách nhập xong lại “bội thực” cấp phó, hoặc xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương để loại bỏ những người không cùng vây cánh, nhóm lợi ích.
Về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có những nhìn nhận thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, việc sáp nhập sở phải tính toán kỹ. |
PV: Thưa ông, qua nội dung bộ Nội vụ đã thông tin, ông băn khoăn những điểm gì trong dự thảo nghị định về tách, nhập sở?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định về thực hiện Nghị quyết của Đảng cũng như Nghị quyết của Quốc hội là bước đột phá và chấp hành rất kịp thời.
Với nhóm 1 là các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước (gồm: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Thanh tra, VP UBND tỉnh-PV), tôi thấy hợp lý. Còn những sở, ngành khác, bộ Nội vụ cần có khung để giới hạn, ví dụ mỗi tỉnh, thành là 12 hay 15 sở chẳng hạn.
Trong dự thảo có đề cập: “Về khung số lượng các sở sau khi sắp xếp, bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án: Phương án 1 quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm tổng số lượng sở sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng sở hiện có; phương án 2 quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm số lượng sở tối đa của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh”.
Quy định vậy là chung chung, các tỉnh họ đều muốn tối đa giữ nguyên các sở như phương án 1 thì tinh giản làm sao? Quy định mở như vậy có địa phương thực hiện, có địa phương không thực hiện.
Ở phương án 2, cần kèm theo tiêu chí về dân số. Bởi, hiện nay, đơn vị hành chính chưa được phân loại: Loại 1, loại 2, loại 3… với cấp tỉnh. Quy định này sẽ là kẽ hở để các địa phương lách luật, không muốn cắt giảm. Tôi thấy cần tính toán cụ thể, chi tiết hơn.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo 2 nghị định liên quan đến vấn đề sáp nhập sở. |
PV: Khi sáp nhập sở, ngành, một điều đáng lưu ý là vấn đề giải quyết việc làm cho số cán bộ dôi dư. Theo ông thì cần tính toán như thế nào cho hợp lý?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Nghị định cần quy định rõ một sở, ngành có bao nhiêu phó giám đốc sau khi sáp nhập. Với số phó giám đốc dôi dư, phải thực hiện giải quyết chính sách cho họ, không thể như thời gian qua, tồn tại một sở nhiều phó giám đốc khiến dư luận bức xúc.
Do vậy, cần làm sao để sau khi nhập, số dôi dư không tồn tại, được sắp xếp làm những nhiệm vụ khác. Chính vì thế, tôi muốn nhấn mạnh đến khung cán bộ ở trên, cũng là để giải quyết chính sách đối với cán bộ dôi dư.
Chúng ta thực hiện tinh giản biên chế, nên phải có chính sách cụ thể để những cán bộ dôi dư được hưởng chính sách. Họ sẽ thực hiện việc điều chuyển công việc hoặc tìm công việc mới phù hợp trình độ, năng lực một cách vui vẻ, tâm phục, khẩu phục.
Sắp xếp tổ chức bộ máy bước đầu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm vì đây là vấn đề con người, rất phức tạp. Con người là gốc của mọi công việc nên cần có sự tế nhị, quy trình đảm bảo tinh giản được bộ máy thuận trên, vừa dưới. Cấp dưới được tinh giản cũng sẽ có thái độ, tinh thần chấp hành tốt, thoải mái hưởng ứng chính sách.
Không thể để sáp nhập xong lại đẻ vị trí mới, dưới sở lập thêm nhiều trung tâm, nhiều phòng để “bố trí” cho hết cán bộ, ví dụ như trước đây khi nhập các bộ thành ra nhiều tổng cục. Như vậy, dù giảm đầu mối nhưng bộ máy lại không hề giảm, biên chế không giảm là không được. Giảm đầu mối phải đi cùng giảm tổ chức bộ máy và biên chế mới phù hợp tình hình con người.
PV: Việc thực hiện chủ trương cần tránh điều gì, thưa ông?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đây là vấn đề con người nên phải hết sức thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, tham khảo nhiều luồng ý kiến để thực hiện nhiệm vụ cho phù hợp. Không thể lãng phí về ngân sách Nhà nước, nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến công việc chung.
Rõ ràng trong bộ máy hiện nay có những người thiếu chuyên môn, không đủ năng lực, trình độ, sức khỏe… Nhưng việc sáp nhập sở, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải thận trọng, khách quan, không vì việc này mà loại ra khỏi bộ máy những người không "ăn cánh", không đồng nhất với mình. Tuyệt đối không lợi dụng chủ trương để loại trừ những người không cùng nhóm lợi ích với mình.
PV: Trong dự thảo lần này cũng đề cập đến Văn phòng UBND cấp tỉnh, nếu thực hiện thí điểm hợp nhất với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và Văn phòng đoàn ĐBQH thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung thì đổi tên thành Văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh. Là một ĐBQH giữ chức Phó trưởng đoàn chuyên trách ở địa phương, ông nhận định việc hợp nhất này có khó khăn, vướng mắc gì?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Hợp nhất cơ quan tham mưu của cơ quan lập pháp với cơ quan hành pháp giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì sẽ có những vướng mắc. Tất nhiên sẽ thực hiện thí điểm ở các địa phương, nhưng chắc chắn phải sửa đổi luật Tổ chức chính quyền địa phương và luật Tổ chức Quốc hội thì mới sáp nhập được.
Còn về tên gọi, tôi nghĩ cũng cần xem xét lại. Dự thảo lần này, theo tôi còn chung chung và bộ Nội vụ cần tính toán lại để thực hiệp tách, nhập sở một cách thận trọng, khách quan.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Dương Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin