Nhân ái

"Sao con đau lâu thế mẹ ơi?"

Nghe bác sĩ thông báo con mắc ung thư máu, tay chân chị như rụng rời. Cậu con trai nhanh nhẹn, khỏe mạnh ngày nào giờ đối mặt với nguy hiểm khôn lường. Trong khi đó, cha mẹ xoay sở đủ đường cũng không ra cách kiếm tiền cứu con.

Xấp hóa đơn thuốc cả chục triệu đồng

Chị Bùi Thị Dân còn nhớ rất rõ lần đầu tiên chị thấy miệng con đầy máu. Máu ứa ra đỏ cả môi, cả hàm răng sún đáng yêu. Lúc đó, chị chỉ nghĩ đơn giản con bị ngã va đập răng vào đâu nên mới vậy. Kiểm tra miệng con thì thấy máu rỉ ra từ kẽ răng, chị Dân định vài ngày sau vãn việc đưa con đi khám.

Không ngờ ngay tối hôm đó, bé Trần Minh Khang lên cơn sốt cao. Sáng hôm sau chị vội đưa con đến bệnh viện. Nhìn cậu bé xanh xao, bác sĩ ở Bệnh viện Châu Đốc lấy máu xét nghiệm. Dù chưa có chẩn đoán chính thức nhưng nhìn kết quả công thức máu rất xấu, các bác sĩ tiên đoán căn bệnh bé đang mang có thể liên quan đến máu. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM hy vọng sớm tìm ra bệnh.

Cậu bé có khuôn mặt rất dễ thương đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo

Tại đây, chỉ trong vòng vài ngày, với kết quả xét nghiệm tủy đồ, bác sĩ đã chẩn đoán đó là căn bệnh bạch cầu lympho cấp. Kể từ khi đó, hai mẹ con chị Dân phải bắt đầu tập dần với cuộc sống ở bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Bé Khang đã trải qua những ngày đau đớn và mệt mỏi tưởng chừng không vượt qua nổi. Những đợt sốt cao kéo dài, có lúc thân nhiệt bé lên tới trên 40 độ, người nóng như hòn than, môi khô lại mặt phừng phừng đỏ. Những lúc như thế, chị Dân cứ thay hết chậu nước này đến chậu nước khác làm mát cơ thể cho con. Một đêm, hai đêm… người chị mệt rã rời, tưởng chừng như có thể vừa đi vừa ngủ nhưng không dám rời mắt khỏi con.

Cha còng lưng kiếm ngày trăm ngàn

Chị Dân đưa cho chúng tôi một xấp hóa đơn mua thuốc điều trị bên ngoài cho con. Đợt cao điểm điều trị tới 9 lọ, mỗi lọ 1,5 triệu đồng. Chị cho biết để mua được một lọ thuốc này, cha bé phải làm đến cả chục ngày công. Tổng số tiền chạy chữa cho con trước đến giờ hầu hết đều do chị đi vay mượn khắp nơi, đến nay nợ nần chồng chất khó mà vay tiếp được nữa.

Vợ chồng chị Dân có hai đứa con, đứa lớn đang học lớp 11. Anh chị đều làm nghề thợ đụng (đụng đâu làm đó), công việc thất thường, đảm bảo được cuộc sống gia đình cũng không phải dễ dàng.

Cậu bé thắc mắc hỏi mẹ: "Sao con đau lâu thế?"

Bé Trần Minh Khang bị bệnh, chị Dân phải trông con không thể đi làm, mọi gánh nặng kinh tế dồn lên vai chồng chị. Ngày nào anh Nguyên cũng dậy từ sớm và thức đến muộn mong nhặt nhạnh vài chục ngàn lẻ. Song cuối ngày, nhiều lắm anh cũng chỉ kiếm được hơn trăm ngàn. Sau gần 1 năm gia đình họ đã kiệt quệ, quá trình chữa bệnh cho bé Khang luôn có nguy cơ bị gián đoạn bất cứ lúc nào.

“Tôi hết cách rồi. Bệnh này ví như nhà giàu còn chịu không nổi, chúng tôi làm đủ ăn giờ biết lấy đâu bù đắp vào đó. Vay mượn cũng có hạn chứ tiền đâu ai người ta cho mình vay hoài. Vừa chăm con vừa lo tiền nhiều lúc tôi rối trí lắm. Mở mắt ra thì thôi, nhắm mắt lại tiền bạc lúc nào cũng nhảy múa trong đầu tôi. Nhiều lúc nghe con hỏi bao giờ con mới hết đau, bao giờ con mới khỏi bệnh mà tôi chỉ biết khóc. Tôi rầu lắm nhưng than trời cũng không thấu”, chị Dân ứa nước mắt.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Trần Văn Nguyên (số 485, tổ 7, ấp Bình Phú 2, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. SĐT: 0167 533 8873)

Tác giả: Đức Toàn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP