Tác giả bài viết: Nguyễn Thưởng – Thanh Phương
Hoàn cảnh đáng thương và nghị lực vươn lên của cô học trò xứ Nghệ
Trong gần 10 năm lặn lội từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi với cái nghề đưa tin, chúng tôi đã chứng kiến biết bao mảnh đời, hoàn cảnh bi thương. Câu chuyện sau đây kể về nghị lực vươn lên của Trương Thị Phương Linh – cô học trò hiếu học ở mảnh đất xứ Nghệ mà chúng tôi có dịp về thăm là trường hợp hết sức đáng thương.
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 chị em tại xã Nghi Thạch (TX. Cửa Lò, Nghệ An), Trương Thị Phương Linh – nữ sinh lớp 11 trường THPT Cửa Lò 2 đang từng ngày tự mình vượt lên số phận. Đồng thời, em còn ấp ủ trong lòng niềm ao ước bước vào giảng đường đại học.
Trước đây, cuộc sống của gia đình Linh chỉ trông chờ vào những ngày công phụ hồ của bố và những mảnh ruộng do mẹ em cấy cày. Căn nhà cấp 4 do ông bà để lại ngày càng xuống cấp trầm trọng, "chưa nắng đã khô, chưa mưa đã dột”. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, 2 chị đầu của Linh đành phải gác bút tìm kế mưu sinh phụ giúp gia đình. Rồi đến tuổi dựng vợ gả chồng, họ phải tảo tần lo toan cho cuộc sống của tổ ẩm nhỏ.
Ở cái tuổi đáng lẽ ra chỉ biết chơi và học, Linh thay thế chị cả trong nhà, vừa học vừa quán xuyến mọi việc giúp bố mẹ. Cuộc sống tưởng như dần trôi về yên bình... Vậy mà...
Bà Phạm Thị Nguyệt – mẹ Linh vừa kể lại với vẻ mặt hoảng sợ vừa nức nghẹn những giọt nước mắt. Năm 2005 – khi Linh tròn 8 tuổi, bố em là ông Trương Văn Nam làm phụ hồ – nghề được ví như "ráo mồ hôi tiền trôi đâu hết”. Trong lúc sơ sẩy, tai nạn đã xảy ra: ông bị ngã giàn giáo từ trên cao xuống, tưởng chừng như không thể sống nổi. Nhưng có lẽ trời còn thương nên không lấy đi tính mạng mà chỉ bắt ông nằm liệt giường.
Từ đó cho đến nay, do chấn thương vỡ đốt sống cổ, trách nhiệm lao động trụ cột để nuôi sống gia đình và các con ăn học của ông Nam giờ đây chuyển sang đôi vai gầy của bà Nguyệt. Mọi chi phí thuốc thang, điều trị tại bệnh viện cho bố Linh đều phải vay mượn ngân hàng và một số người thân. Hiện tại, số nợ đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Phóng viên báo Thời Đại cùng các nhà hảo tâm đến thăm và động viên gia đình em Linh
Trong suốt những năm qua, cô học trò này đảm nhận vai trò như một người trưởng thành trong gia đình. Ngoài việc học tập ở trường, thay vì thời gian rảnh rỗi, được vui chơi, nô đùa như bạn bè cùng trang lứa thì Linh lại giúp mẹ việc đồng áng, chăm bố, sắp xếp mọi việc trong nhà, dạy em học hành…
Được biết, ở trường, Linh là học sinh giỏi chăm ngoan, được thầy cô và bạn bè quý mến. Em rất đam mê tìm hiểu kiến thức thuộc môn Lịch sử, nhiều năm qua đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh ở lĩnh vực này.
Thời điểm chúng tôi đến thăm gia đình cô học trò đầy nghị lực là vào một buổi chiều trở gió – cái thời tiết mà mỗi lần thay đổi lại làm cho ông Nam không sao chịu nổi, bởi các cơn co giật cứ giày xéo thân thể. Bà Nguyệt mẹ vốn gầy yếu mà phải gánh trên đôi vai khối lượng quá nặng suốt thời gian dài nên cũng đã đến thời kỳ sức tàn lực cạn. Bị chứng lao phổi nặng, được điều trị một thời gian, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bà phải nhắm mắt rời bệnh viện về nhà.
Tâm sự với chúng tôi, những giọt nước mắt của cô học trò này cứ tuôn trào, Linh chia sẻ: “Ước mơ của em là tiếp tục được bước vào giảng đường đại học để mai sau trở thành người có ích cho xã hội và chăm lo cho gia đình. Bản thân em rất cố gắng và muốn được đi học. Đã nhiều lần em định bỏ học để đi làm vì không có tiền đóng học phí, nhưng rồi lại được các thầy cô, bạn bè giúp đỡ”.
Thương cho hoàn cảnh của gia đình chừng nào, nhóm phóng viên báo Thời Đại lại càng trân trọng về nghị lực của Linh bấy nhiêu. Chắc chắn rằng, phía trước con đường em sắp bước tới là tương lai rộng lớn được thắp sáng bằng ý chí, sự cầu tiến và tinh thần lạc quan không ngừng vươn lên!