Tôi đang mang thai ở tuần thứ 26. Từ khi bắt đầu mang thai, tôi bị tê và đau bên chân trái thỉnh thoảng đau lưng, nhưng dạo gần đây, lưng của tôi đau ê ẩm. Có những đêm tôi đến phát khóc vì quá đau, nằm không nằm được, ngồi cũng chẳng yên. Tại làm sao mà lưng tôi ngày càng đau như vậy, có cách nào giảm bớt cơn đau hay không? (Đặng Thị Trung Anh, 26 tuổi, Bắc Ninh)
Hầu hết các phụ nữ khi mang thai đều gặp triệu chứng đau lưng. |
Trao đổi với báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Hầu hết các phụ nữ khi mang thai đều gặp triệu chứng đau lưng, trong đó, tùy cơ địa mà mức độ đau khác nhau. Nguyên nhân là do khi mang thai, cơ thể thai phụ sản sinh ra nhiều loại hormone giúp các dây chằng của khung chậu giãn nở để chuẩn bị cho bé ra đời. Tuy nhiên, nếu dây chằng xương chậu quá lỏng có thể làm cho các khớp xương thiếu sự liên kết, dẫn đến tình trạng đau mỏi.
Bên cạnh đó, khi mang thai, nhất là những tháng cuối của thai kỳ, tử cung của người mẹ lớn dần lên, trọng lượng cũng tăng lên. Lúc này, trọng tâm của cơ thể người mẹ có xu hướng ngả về phía trước. Để giữ thăng bằng, trong quá trình di chuyển, thai phụ thường ngả về phía sau khiến phần lưng bị cong, gây đau nhức. Ngoài ra, nhiều thai phụ có thói quen chống tay vào lưng khi đứng lên, ngồi xuống hoặc khi đi lại cũng khiến vùng lưng bị tổn thương, nhất là phần xương cụt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, bên cạnh những nguyên nhân trên, yếu tố dinh dưỡng và tập luyện cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể người phụ nữ khi mang thai. Khi đó, nếu thai phụ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và magie; không có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau lưng khi mang thai. Tuy đây không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng nó sẽ gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày của các thai phụ.
Khi đau lưng có được dùng thuốc giảm đau hoặc cao dán
Theo ThS.BS Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản (bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội), thai phụ vẫn có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Efferagan hoặc các loại cao dán (salonpas).
Tuy nhiên, không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau này để tránh gây hại cho thai nhi. Đặc biệt, không dùng miếng dán giảm đau lên phần lưng có vết thương hở hoặc những thai phụ hay bị dị ứng, mẩn đỏ trên da cũng không nên dùng các loại cao dán này.
Trong quá trình mang thai, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên nằm nghiêng bên trái sẽ có lợi cho tuần hoàn máu giữa mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, không vì thế mà nằm mãi một tư thế, sẽ gây mỏi, đau nhức khi trọng tâm cơ thể dồn quá lâu về một bên. Do đó, bà bầu có thể luân phiên thay đổi tư thế để cơ thể được thoải mái. Nếu bị đau vùng thắt lưng bên trái, nên đến khám bác sĩ để kiểm tra về thận vì khi mang thai, thận của mẹ cũng hay bị chèn ép bởi tử cung lớn lên. Nếu có biểu hiện đau âm ỉ kéo dài, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa sản để khám và được tư vấn điều trị.
Bí quyết giảm đau lưng khi mang thai?
Luyện tập các bài tập nhẹ nhàng, tốt cho lưng để giảm bớt cảm giác đau lưng khi mang thai. |
Nói không với giày dép cao gót.
Hạn chế gập người, chúi người về phía trước hay ngồi men lên thành ghế.
Luyện tập các bài tập nhẹ nhàng, tốt cho lưng để giảm bớt cảm giác đau lưng khi mang thai.
Khi nằm, nên dùng gối không quá cứng hay quá mềm để nâng đỡ bụng. Lúc ngồi dậy ở tư thế nằm, nên trở người sang hẳn một bên rồi từ từ ngồi dậy ở tư thế nghiêng.
Bổ sung đủ canxi để hạn chế đau lưng khi mang thai.
Tác giả: Phong Linh (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Người đưa tin