Tin địa phương

Ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2- Các giải pháp ứng phó

Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long là quy luật tự nhiên. Lũ về làm tăng nguồn lợi thủy sản, bổ sung lượng nước, phù sa, thau chua, rửa phèn, diệt trừ sâu bệnh…

Hệ thống cống trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Tuy nhiên, những năm gần đây, mùa lũ lại gây ngập lụt phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

Tăng cường khả năng thích ứng của đô thị

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, từ trước đến nay, mức triều tại Cần Thơ chỉ ở mức 2,15 m, nhưng hiện nay đã lên đến 2,23 m. Trước các trận ngập lịch sử vừa xảy ra trên, thành phố chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập mà phải đợi đến năm 2021, khi “Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là Dự án 3)” được hoàn thành, vấn đề ngập của Cần Thơ mới có khả năng được kiểm soát. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 322 triệu USD; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) là 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng.

Dự án này gồm 3 hợp phần: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu… Hiện dự án đang được triển khai với nhiều hạng mục như thi công kè, cống, đê bao… Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657 ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, các cống, van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm thành phố.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu, có thể ngập lụt tại các đô thị sẽ diễn ra thường xuyên hơn so với trong lịch sử”, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) dự báo và đề xuất nên sử dụng số liệu mực nước năm 2018 để làm số liệu tham khảo, tính toán tần suất xuất hiện của ngập lụt bất thường trong những năm tiếp theo.

Trong đợt triều cường “lịch sử”, Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ với sự hỗ trợ của các sinh viên đã ghi nhận lại những vị trí ngập sâu để xây dựng bản đồ ngập lụt của thành phố Cần Thơ. Theo ông Lê Anh Tuấn, bản đồ sẽ giúp quy hoạch hệ thống thoát nước hoặc ngăn lũ tại thành phố này. Đây là bài toán không chỉ riêng Cần Thơ mà các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long cần giải quyết trong thời gian tới trong bối cảnh ngập lụt ở các đô thị ngày càng phức tạp.

Cùng với đó, ông Tuấn cho rằng cần xây dựng lại hệ thống quan trắc để có các số liệu tốt hơn. Điều này sẽ làm cơ sở cho việc quy hoạch đô thị trong tương lai, đồng thời xây dựng những chiến lược ứng phó với lũ hoặc triều cường trong nhiều năm tới.

Cần ngăn chặn sụt lún

Trước thực tế mặt đất đồng bằng đang bị sụt lún rất nhanh do khai thác nước ngầm quá mức - một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng phức tạp, các nhà khoa học cho rằng cần giải quyết được việc này. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định, về lâu dài, vấn đề ngập lụt ở vùng châu thổ sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn nếu như không có các biện pháp ứng phó, đặc biệt là ứng phó với sụt lún.

Dự án xây dựng bờ kè ven sông thuộc phường 7 và phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Nguồn nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long được khai thác qua hệ thống bơm và được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Thời gian gần đây, lượng nước ngầm được khai thác ngày càng tăng nhanh, mức độ khai thác vượt quá trữ lượng bổ cập tự nhiên dẫn đến suy thoái về cấu trúc và trữ lượng các tầng chứa nước dưới đất. Việc sử dụng nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có nghịch lý. Ở các vùng ven biển do thiếu nước ngọt nên phải sử dụng nước ngầm, thế nhưng ngay trong vùng nội địa của đồng bằng, nước ngầm cũng đang bị khai thác quá mức.

Ngoài việc bị ô nhiễm bởi phải "gánh" một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu thải ra từ hoạt động trồng trọt, sông ngòi ở đây còn đang bị rất nhiều công trình cản trở, không lưu thông được dẫn tới tích tụ ô nhiễm khiến người dân buộc phải khai thác nước dưới đất để sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động này đang diễn ra với tần suất lớn nên sụt lún xảy ra rất nhanh.

Theo ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, tiến trình phục hồi nước ngầm mất rất nhiều thời gian. Tại Nhật Bản đã cấm khai thác nước ngầm, dầu khí vào khoảng năm 1985 nhưng phải đến năm 2000 mực nước ngầm mới "chững" lại và từ đó đến nay mới bắt đầu dâng lên. Cùng với đó, việc vận dụng tái bổ cấp nước ngầm đòi hỏi công nghệ, tiền bạc, thời gian… từng địa phương riêng lẻ khó có thể làm được.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, với thực tế hiện nay, các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long buộc phải có công trình để bảo vệ khỏi ngập lụt. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề lại nằm ở khu vực nông thôn và ngay trong nền nông nghiệp của chúng ta.

Để giảm sụt lún phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn như vậy nước sông cần được sử dụng như thời điểm cách đây 20 năm. Bên cạnh đó, để nước sông trong sạch trở lại thì phải giảm phân bón, thuốc trừ sâu thải ra môi trường; giảm những công trình cản trở dòng chảy để tăng khả năng tự làm sạch của sông ngòi.

Người dân xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất trồng dưa leo trong mùa lũ. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

“Nền nông nghiệp của đồng bằng nên chuyển hướng theo Nghị quyết 120 của Chính phủ là giảm thâm canh, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Như vậy sông ngòi mới sạch hơn và về lâu dài mới giải quyết được vấn đề sụt lún của đồng bằng”,Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nêu ý kiến.

Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cây lúa sẽ không còn là ưu tiên số một mà sẽ ưu tiên cho thủy sản và các cây trồng khác rồi mới đến cây lúa. Cùng với đó, nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều phải được xem là tài nguyên thì mới giảm được nhu cầu làm các công trình ngăn cản sông ngòi. Lúc đó sông ngòi sẽ thông thoáng hơn, sông ngòi sẽ tự phục hồi và tình trạng sử dụng nước ngầm cũng sẽ giảm - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định.

Tác giả: Thanh Liêm (TTXVN)

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP