Tin địa phương

Kỳ vọng tôm xuất khẩu “sáng màu”

Thị trường tôm nguyên liệu đang hồi phục sức mua, giá tôm quay đầu tăng trở lại. Trong khi tôm xuất khẩu tuy gặp cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn tiêu thụ tốt tại các thị trường lớn. Người nuôi tôm ở ĐBSCL kỳ vọng vụ 2 nuôi tôm phòng tránh dịch bệnh, trúng mùa cuối năm.

Thị trường vẫn sáng

Hiện nay biểu giá tôm thẻ chân trắng trong vùng ĐBSCL loại 100 con/kg đang tăng nhẹ trở lại, trên mức 86.000-88.000 đồng/kg, vượt xa mức thấp điểm hồi tháng 4, tháng 5 bán ra các đại lý thu mua tôm chừng 60.000-65.000 đồng/kg. Trong khi đó ở một số địa phương người nuôi tôm sú vẫn còn lo âu, vì ám ảnh tôm sú bị dịch bệnh đỏ thân rải rác, vụ nuôi thất bát và giá tôm ở mức thấp.

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Đó là hệ lụy từ tháng 8-2018, thị trường tôm nguyên liệu các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau sức mua chưa tăng mạnh. Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản trong vùng, năm nay nuôi tôm trúng mùa. Tôm nuôi vẫn còn nhiều, trong khi lượng tôm các nước xung quanh vẫn còn nhiều nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường XK. Do đó, tôm Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tại các thị trường có sức tiêu thụ chi phối lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ nền tảng đầu tư công nghệ chế biến và tiếp cận thị trường XK trong nhiều năm qua, các DN XK thủy sản Việt Nam tự tin cho rằng: Do trình độ năng lực chế biến rất tốt nên tôm Việt Nam còn giữ được giá, mức tiêu thụ vẫn bình thường. Đó là lý do vì sao từ đầu năm đến nay riêng thị phần tôm xuất sang châu Âu tăng khoảng 15% là nhờ phần lớn vô được hệ thống phân phối lớn. Hơn nữa, dường như mặt hàng tôm nằm ngoài tâm bão chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nên thời điểm hiện tại tôm bán được nhưng không tăng giá. Nhiều dự đoán đến tháng 9 các hợp đồng mới có nhiều, nhất là khi các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho thị trường cuối năm. Do vậy vào lúc này tâm lý các nhà nhập khẩu chưa muốn mua sớm, thay vì phải trữ kho, họ chuyển việc trữ kho ở các nhà máy chế biến của nước XK.

Nhờ vào lợi thế thị trường, tôm Việt Nam gặp cơ may từ năm 2015 khi Thái Lan đã mất ưu đãi thuế quan tại thị trường EU nên tôm Việt Nam có lợi thế hơn tôm Thái Lan về giá trung bình khoảng 10%. Vì lẽ đó một số khách hàng EU chuyển sang hợp đồng với các DN Việt Nam. DN nào may mắn có được hợp đồng với hệ thống phân phối lớn thì giai đoạn hiện nay có lãi khá do giá bán không giảm bao nhiêu. Trong khi tôm nguyên liệu giảm giá 20%, nhưng giá tôm chế biến xuất khẩu cho nhà phân phối lớn chỉ giảm khoảng 5-10% và chỉ có tôm xuất khẩu dạng hàng chợ mới bị giảm giá khoảng 20%.

Trong những tháng vừa qua, tình hình kinh doanh đa số các nhà máy tôm đều có lời khá nhưng kém vui vì người nuôi không có lời nhiều. Một số chủ DN phân tích, hiện thời các nhà máy chế biến tôm bán được vào phân khúc thị trường cao cấp mới giữ giá ổn định, ít biến động, tính ra lời khoảng 10% (trước đây chỉ khoảng 3%). Cả Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đều bán hàng vào được hệ thống phân phối cao cấp của Mỹ. Hai nước Thái Lan và Ấn Độ xuất hàng tôm cỡ lớn rất nhiều, nhưng sản lượng tôm Thái Lan năm nay dự báo sẽ dưới 300.000 tấn, tức giảm 50% so với trước.

Kết quả tạm thời các nhà XK Việt Nam tuy bán được hàng nhưng vẫn không thể tăng mua giá cao hơn được. Tôm nguyên liệu chịu cảnh rớt giá và giá thấp vừa qua là do lượng tôm Việt Nam sản xuất ra cùng lúc gặp áp lực tôm thế giới (các nước nuôi tôm còn nhiều) đẩy ra nên các DN Việt Nam vẫn chỉ mua theo mặt bằng của giá chợ. Thậm chí có DN cho rằng nếu mua giá cao hơn lượng tôm dồn về nhiều không thể chế biến xuất khẩu kịp.

Hàng phân khúc cao cấp

Các DN XK tôm am hiểu các hệ thống tiêu thụ lớn tại Mỹ cho rằng, với họ, trong 3 nước bán tôm như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam nước nào có giá rẻ hơn thì họ sẽ mua. Vì lẽ đó tôm Việt Nam bị ảnh hưởng do phải cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, cũng có một vài hệ thống phân phối chỉ mua từ một đối tác, nhưng kiểm tra tôm rất khắt khe ngay từ vùng nuôi có đúng chuẩn hay không nên họ tự tin khẳng định với khách hàng của mình rằng đây là hàng bảo đảm về chất lượng và truy xuất nguồn gốc được toàn bộ. Thậm chí có hệ thống mua tôm ổn định với giá rất cao, nhưng họ phải đến tận xưởng sản xuất kiểm tra phải đảm bảo không có một thiết bị, vật liệu nào làm từ gỗ (vì họ sợ là nơi vi sinh vật trú ẩn) và tuyệt đối không có bất kỳ hiện tượng gỉ sét, không một chút bụi nào dù là nhỏ nhất).

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chia sẻ: Hiện nay Sao Ta gần như là DN duy nhất bán được hàng cho hệ thống này, còn tính chung sản phẩm vô được hệ thống lớn chiếm khoảng 50%, hàng sang Nhật là 30%, Hàn Quốc 10%. Đối với thị trường Nhật không bao giờ mua hàng của một đối tác duy nhất để hạn chế rủi ro, nên hàng xuất sang Nhật dù là 100% hàng tinh chế nhưng giá không phải lúc nào cũng tốt mà theo giá thị trường. Do đó, dù chiếm đến 30% nhưng hàng xuất sang Nhật vẫn không hưởng được mức giá tốt ổn định như khi vào các hệ thống lớn khác mà chỉ có hàng xuất sang châu Âu do chủ yếu vào hệ thống lớn. Tương tự, tôm xuất sang Hàn Quốc, dù là hàng đẹp bán được giá cao hơn nhưng vẫn chịu bị chi phối bởi khung giá thị trường. Ở Mỹ cũng theo diễn biến giá thị trường. Như vậy, tính chung, số sản phẩm bán được giá tốt của Sao Ta chiếm khoảng 40%. Hiện nay tôm Việt Nam có trên 90% mặt hàng tôm XK là hàng giá trị gia tăng, nhưng còn hàng cao cấp giá tốt thì bình quân chỉ khoảng 30%.

Trong khi đó nhìn về thị trường Trung Quốc, có ý kiến cho rằng Trung Quốc giảm mua tôm nên tác động làm giảm giá tôm nguyên liệu nội địa ở ĐBSCL trong mấy tháng vừa qua. Song, theo các DN XK tôm hiện nay dù có thêm thị trường Trung Quốc thì giá tôm cũng khó cải thiện thêm do bản thân Trung Quốc cũng đang hưởng lợi từ thị trường tôm giá thấp.

Thực tế với giá bán thấp như hiện nay, nhiều nông dân nuôi tôm của Ấn Độ cũng đang khốn khổ dù giá thành nuôi tôm của họ có thấp hơn, nhưng lợi nhuận vẫn không đủ bù đắp. Trong khi nhìn về thị trường tiêu thụ cho thấy dẫu đang chuyển động tốt nhưng giá cả lại khó tốt hơn tuy rằng hiện các DN có hợp đồng xuất sang châu Âu đến năm sau. Hơn nữa khi phần lớn sản lượng tôm thế giới dồn về Mỹ do sức mua lớn (600.000 tấn, tương đương toàn bộ các nước EU), nên tạm thời mặt bằng giá khó có thể tăng cao được. Do đó, theo chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 10 tỉ USD, trong đó XK tôm 4 tỉ USD thì cùng với số lượng tăng lên vẫn cần thị trường tiêu thụ mạnh và đơn giá cuối năm tăng lên mới kỳ vọng đạt mục tiêu như mong muốn.

Tác giả: HỮU ĐỨC

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

  Từ khóa: tôm ĐBSCL , tôm xuất khẩu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP