Các đại biểu cắt băng khánh thành không gian đổi mới sáng tạo cho sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Bích |
Theo đó, không gian đổi mới sáng tạo cho sinh viên được kỳ vọng là nơi dành cho nhà sáng chế, thắp sáng hoạt động đổi mới sáng tạo của sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không gian đổi mới sáng tạo cho sinh viên được chia làm 4 khu vực, gồm xưởng gỗ (bàn và các công cụ cầm tay); xưởng kim loại (thiết bị hạng nặng dùng để gia công kim loại phục vụ các công đoạn liên quan đến cơ khí, xây dựng và chế tạo rô bốt); khu vực điện tử, thì khu vực sáng tạo này cho phép người sử dụng làm việc với các bản mạch, các thiết bị IoT, máy in 3D và các linh kiện cắt bằng laser và không gian làm việc chung.
Phát biểu tại buổi khai trương, ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, việc đưa vào hoạt động không gian đổi mới sáng tạo vào hoạt động sẽ giúp sinh viên, doanh nhân trẻ và giảng viên có thể tiếp cận được với các máy in 3D, máy cắt laser, và các công cụ công nghệ cao khác. Qua đó, cùng nhau hợp tác để thiết kế, xây dựng và chế tạo các nguyên mẫu các sản phẩm và giải pháp đổi mới dựa trên nền tảng kỹ thuật với mục tiêu phục vụ cho cộng đồng.
“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ các phương pháp giảng dạy truyền thống sang mô hình học tập trải nghiệm hiện đạ", ông cho biết và thông tin không gian sáng tạo sẽ là chất xúc tác để kết nối doanh nghiệp và các tổ chức, cộng đồng vào việc triển khai các dự án thực tế với các nhóm sinh viên liên ngành nhằm thiết kế và xây dựng các nguyên mẫu giải pháp. Qua đó, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn, tư duy doanh nghiệp và các kỹ năng mềm của thế kỷ 21.
Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, không gian đổi mới sáng tạo sẽ giúp sinh viên và giảng viên của trường hoàn thành tốt hơn việc nghiên cứu, hoạt động chuyên môn của mình.
Tác giả: Trung Chánh
Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn