Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (thứ ba từ trái sang) nhấn mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều địa phương trong khu vực để ngành du lịch ĐBSCL “chuyển mình” |
Phát triển sản phẩm du lịch không trùng lắp
ĐBSCL được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều lợi thế góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, nhưng thu hút và giữ chân được du khách thì đòi hỏi các địa phương phải có tầm nhìn chiến lược để cả vùng phát triển bền vững.
Trong đó, để ngành du lịch “chuyển mình”, vấn đề hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực làm du lịch phải đồng bộ, mang đặc trưng ở mỗi điểm đến mà không trùng lắp các loại hình du lịch giữa các địa phương.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất phân khúc với nhiều mục tiêu khác nhau làm “đòn bẩy” phát triển du lịch vùng với nhiều loại hình bao gồm: Chuyện đất phương Nam; Nghỉ dưỡng trên sông; Khám phá Mêkông; Điểm đến kinh doanh và loại hình vui chơi hội tụ, tạo sự đa dạng loại hình dịch vụ, từ đó kích thích du khách chi tiêu.
Đồng thời, tăng cường mang lại trải nghiệm độc đáo, thúc đẩy nhận thức thương hiệu du lịch vùng. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả chiến lược cần có sự phối hợp “mấu chốt” giữa chính quyền và nhà đầu tư, có kế hoạch cụ thể để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông làm nền tảng cho sự phát triển du lịch, rút ngắn thời gian đi lại giữa các điểm đến góp phần làm tăng trải nghiệm cho du khách.
Cũng theo nghiên cứu từ Tập đoàn tư vấn The Boston Consulting Group (BCG), ĐBSCL cần tính toán và có bước tiến nhằm tạo tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt chiến lược sẽ tạo ra khoảng 300.000 việc làm trực tiếp – gián tiếp liên quan đến du lịch, trở thành điểm đến được công nhận trong nước và thế giới với khoảng 19 triệu khách du lịch qua đêm (30% khách quốc tế) với mức chi tiêu trực tiếp ước đạt 4 tỷ USD vào năm 2030.
Riêng tại TP Cần Thơ, các chuyên gia cũng phân tích, hiện TP có 2 “điểm nghẽn” chính cần được tháo gỡ đó là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và điểm thu hút du khách thông qua những điểm đến nổi bật vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, nhận thấy TP có tiềm năng dựa trên nền tảng vững chắc, khả năng thu hút đầu tư tốt hoàn toàn có khả năng thực hiện chiến lược này.
Hướng đến đảm bảo phát triển bền vững
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu TP sẽ xem xét chi tiết vì đây là báo cáo “bước đầu” nếu thực hiện sẽ được hoàn thiện và bổ sung trong tương lai.
Để thực hiện mục tiêu thì cần tìm hiểu rõ đâu là trọng tâm, xác định được những bất cập có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chuỗi du lịch đảm bảo tính liên thông và đồng bộ. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch (cơ sở nghỉ dưỡng, vui chơi, văn hóa) và hạ tầng giao thông cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ khi đi vào thực hiện chiến lược.
Kế đó, về mặt quản trị chiến lược phải đạt mục tiêu đề ra, có kế hoạch kết nối và tổ chức thực hiện chiến lược một cách khoa học, đẩy mạnh quảng bá đầu tư, tổ chức thực hiện duy trì đảm bảo chất lượng. “Quan điểm Chính phủ luôn thu hút đầu tư, việc nào xác định có thể thu hút đầu tư thì kêu gọi nhà đầu tư làm, còn việc nào nhà đầu tư không thực hiện mà xét thấy có lợi cho người dân thì chính quyền đứng ra thực hiện”, ông Thống nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng bày tỏ băn khoăn vì thực hiện chiến lược thì cốt lõi cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều địa phương trong khu vực. “Nếu TP Cần Thơ bắt tay thực hiện chiến lược mà nhiều tỉnh, thành không hưởng ứng thì cũng chỉ là điểm đến hạn chế không phát huy được sự đa văn hóa của vùng”, ông Thống khẳng định.
Tác giả: Nguyễn Cuộc
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam