Xã hội

Rác thải, giao thông chưa tiện lợi cản trở du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ bị nhiều du khách phàn nàn vì môi trường nhiều rác và bị thương mại hóa.

Chiều 27/3, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2019. Bên cạnh giới thiệu vẻ đẹp của 13 tỉnh, thành phố, các sản phẩm đặc trưng, sự kiện còn hướng đến tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch tại đây.

Vấn đề được đưa ra thảo luận nhiều nhất là rác thải và hệ thống giao thông chưa thuận tiện cho du khách. Kênh rạch bị ô nhiễm nặng do người dân vứt rác nhiều. Tình trạng này xảy ra ở cả địa điểm du lịch nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng.

Người dân sử dụng nước sông cho các sinh hoạt hàng ngày ngoại trừ việc uống. Ảnh: Thanh Thu.

Ông Đặng Văn Tiến, nguyên phó tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam, cho hay: "Tôi từng khuyên anh em đừng đưa khách đi tham quan khi con nước xuống vì sẽ lộ ra rất nhiều rác". Bản thân ông Tiến từng phải tìm cách thoái thác với khách nước ngoài chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng, vì hoạt động giao lưu buôn bán ở đây đã khác xưa, đường bộ và các siêu thị được ưa chuộng hơn.

Nhiều năm qua, thành phố Cần Thơ đã có đề án bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng chưa hiệu quả: "Mỗi ngày có hai chiếc ghe đi thu gom rác ở chợ nổi Cái Răng nhưng vẫn không xuể", ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long, cho biết.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Tài, giám đốc một hãng lữ hành có trụ sở tại Hà Nội cho rằng các tuyến giao thông ở miền Tây rất tệ. Nhiều con đường bụi bặm, các phương tiện chen lấn tạo nên cảm giác không an toàn với du khách. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương cũng bày tỏ không hài lòng với cơ sở hạ tầng đang có, các công trình đường sá phát triển chậm.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Tiến cho hay hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long hiện phát triển hơn 30 năm trước rất nhiều. Trước kia, ông Tiến phải về TP.HCM trước 21g vì tuyến phà chở khách qua sông Hậu không hoạt động muộn hơn. Hay quãng đường từ Mỹ Tho đến Bến Tre được rút ngắn rất nhiều nhờ có cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền.

Cả ông Trần Việt Phường và Nguyễn Hữu Tiến đều coi đây chỉ là vấn đề thời gian. Hệ thống giao thông sẽ thuận tiện hơn trong tương lai, sắp tới, cầu Vàm Cống sẽ thông xe trong tháng 6 tới, kết nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ).

Các sản phẩm du lịch trùng lặp, tương tự nhau về cả nội dung và hình thức cũng là vấn đề đang tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long. Bà Bùi Thị Sương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, cho biết bà đi đâu cũng thấy bánh xèo, cá kho, hủ tiếu... Bà chia sẻ: "Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài nhiều khi muốn nghe câu chuyện về văn hóa, con người đằng sau món ăn nhưng chúng ta không có". Bà Sương cho rằng các món ăn Việt Nam mang tính dân dã, đường phố nên muốn nâng tầm ẩm thực Việt phải cần nhiều công sức.

Bánh xèo miền Tây có giá 30.000 - 50.000 đồng một chiếc, tùy nơi. Ảnh: Tâm Linh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giải thích các sản phẩm tương đồng nhau bởi đặc thù về địa lý, tài nguyên thiên nhiên. Ông Thọ lấy ví dụ về món hủ tiếu: "Ở nhiều địa phương có hủ tiếu, nhưng hủ tiếu Cần Thơ khác với loại ở Sa Đéc, ở Sóc Trăng. Vấn đề chỉ là chúng ta có đủ tinh tế để nhận biết hay không".

Với những thực trạng trên, các đại biểu đều cho rằng địa phương cần nâng cấp và xây mới các điểm du lịch, bên cạnh việc mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp khai thác tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhấn mạnh du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm (farmstay) là con đường nhanh nhất để người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo và đem lại ấn tượng khó quên cho du khách.

Tác giả: KIỀU DƯƠNG

Nguồn tin: Thế Giới Tiếp Thị Online

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP