Trên cơ sở kế thừa những thành quả đạt được, khắc phục những tồn tại, bước sang giai đoạn mới, TP Cần Thơ xác định phát triển nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản và nông dân là chủ thể. Đây được coi là những vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chuyển biến “tam nông”
Trước hết, lĩnh vực nông nghiệp từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đơn cử như cây lúa, từ vụ hè thu năm 2011, thành phố triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với quy mô 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Đến năm 2017, thành phố mở rộng mô hình thành phong trào “Cánh đồng lớn” và “Cánh đồng lúa sạch”, với diện tích trên 20.000 ha/vụ (có 93 cánh đồng và 12.926 hộ tham gia). Tổng diện tích cây ăn trái toàn thành phố năm 2017 đạt 17.121ha, tăng 9,45% so với năm 2008. Diện mạo nông thôn “thay da, đổi thịt” từng ngày với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai sâu rộng. Giai đoạn 2011-2017, thành phố đã đầu tư 9.392 tỉ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách chiếm 37% và nguồn vốn huy động chiếm 63% tổng vốn. Đến nay, thành phố có 28/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phong Điền được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân nhân khẩu khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 2,3 lần so với năm 2010).
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tạo được sự đồng thuận cao trong dân. Ảnh: MỸ THANH |
Ông Trần Văn Kiệt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, đúc kết: Có được kết quả này là do thành phố quan tâm huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, sự hỗ trợ của Nhà nước về các mặt là rất cần thiết như đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là về giống mới, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, thủy lợi hóa,… Song song đó, việc kết nối “4 nhà” luôn được quan tâm thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập. Thành phố đặc biệt chú trọng giải quyết tốt an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn thông qua việc quan tâm giải quyết việc làm, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Từ đó tạo sự phấn khởi và đồng thuận cao trong nhân dân.
Dựa vào tiềm năng và lợi thế sẵn có, các quận, huyện chủ động tìm hướng đi phù hợp trong phát triển “tam nông”. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện xác định cây ăn trái là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và là cơ sở để xây dựng, phát triển thành huyện đô thị sinh thái. 10 năm qua, diện tích cây ăn trái của huyện đã tăng từ 3.600ha (năm 2008) lên 7.200ha (năm 2017). Trong đó, huyện tập trung khôi phục, cải tạo, trồng mới cây ăn trái theo hướng chuyên canh các loại cây đặc sản như: cam mật, vú sữa, dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt, nhãn, chôm chôm… Đồng thời, hướng dẫn nông dân xây dựng hoàn thành 3 mô hình tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP trên cây nhãn Edor, vú sữa và cam mật với diện tích 16,5ha. Ông Tiêu Quốc Doãn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: Bình Thủy đã và đang hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao có thể kể đến như: hoa kiểng (Làng hoa kiểng Phó Thọ-Bà Bộ, Câu lạc bộ Hoa lan Bình Thủy…), rau màu (Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa…), thủy sản (Tổ hợp tác phường Long Tuyền, Hợp tác xã Thuận Thiên…).
Bứt phá
Thành quả đạt được là vậy, song “tam nông” của thành phố vẫn còn nhiều nút thắt phải gỡ. Đó là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn diễn ra nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể còn hạn chế, các mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới phát triển chưa đủ mạnh; liên kết “4 nhà” chưa được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả liên kết chưa cao. Việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có được quan tâm, nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của thành phố; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế…
Theo Thành ủy Cần Thơ, giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 3,5%/năm. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp tăng bình quân trên 2,5%/năm và ngành thủy sản tăng bình quân trên 4,0%/năm. Đồng thời, tiến hành thành lập và đầu tư hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ; hình thành và phát triển 5 - 10 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, hằng năm đào tạo được 500 - 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân trên 2,5%/năm. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp tăng trên 2%/năm và ngành thủy sản tăng trên 3,3%/năm. Phấn đấu xây dựng hoàn thành 3 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các tổ chức khoa học, công nghệ... |
Từ thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, khẳng định: Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá như: tăng đầu tư khoa học công nghệ gắn với dồn sức phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực tăng trưởng nhanh. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng quy mô lớn, tập trung; thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, thành phố ưu tiên, dồn sức cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí về giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm bơm điện, thực hiện cơ giới hóa… Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Để tìm đầu ra cho nông sản, Sở Công thương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như: tập trung phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại với bà con nông dân…
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, thành phố cần hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, có chính sách về vốn, thuế, thủ tục hành chính giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ, dám làm nhằm nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Song song đó, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy hoạch, đảm bảo chất lượng; đầu tư phát triển, đăng ký thương hiệu và có chiến lược quảng bá, tiếp thị phù hợp đối với sản phẩm đặc trưng lợi thế của TP Cần Thơ.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, khẳng định: Phải xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành và toàn dân thành phố. Sau này, nếu chúng ta thực hiện công nghiệp hóa thành công thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của thành phố. Do đó, cần tập trung xây dựng, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn...
Tác giả: MỸ THANH - MINH HUYỀN
Nguồn tin: Báo Cần Thơ