Thế giới

Hai thành viên NATO đứng trước nguy cơ "huynh đệ tương tàn"

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là bức tường thành quan trọng của NATO để bảo vệ khu vực đông nam châu Âu. Thế nhưng tường thành đó sẽ sụp đổ nếu như một trong hai nhận được F-35.

Căng thẳng Mỹ-Thổ

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai đồng minh có giá trị nhất nhưng cũng kém giao hảo với nhau nhất trong NATO, đang theo đuổi các máy bay chiến đấu mới do Mỹ sản xuất, nhưng mối quan hệ mâu thuẫn với Washington đồng nghĩa với việc cả hai khó đạt được những gì mong muốn.

Vào tháng 6, Hy Lạp đã đề nghị Mỹ cho phép mua 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cùng tùy chọn mua thêm 20 chiếc nữa trong tương lai. Yêu cầu được đưa ra khi mối quan hệ giữa Athens với Washington, đặc biệt là mối quan hệ quốc phòng, ngày càng chặt chẽ hơn.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu mua các bộ dụng cụ nâng cấp F-16 và F-16 mới do Mỹ sản xuất vào năm ngoái, nhưng vào tháng 7, các nghĩ sĩ Mỹ đã thông qua một sửa đổi khiến thỏa thuận trở nên khó khăn hơn.

Vị trí của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gần nhau ở đông nam châu Âu, giáp Biển Đen và Đông Địa Trung Hải, khiến họ trở thành thành viên NATO quan trọng về mặt chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các khu vực này.

Nhưng mối quan hệ của cả hai với phần còn lại của liên minh đang đi theo hướng ngược lại, cùng với sự cạnh tranh đôi bên đang trở nên tồi tệ hơn nếu một trong số họ nhận được máy bay từ Mỹ còn người kia thì không.

Theo Business Insider, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ rất kém và thường xuyên xảy ra xung đột công khai trong những thập kỷ gần đây.

Hai nước láng giềng đang tranh cãi về một số vấn đề, bao gồm sự chia rẽ ở Síp, phản đối các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Aegean và Đông Địa Trung Hải, cùng tranh cãi về chủ quyền một số hòn đảo.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên NATO khác, đặc biệt là Mỹ, cũng trở nên xấu đi. Ankara là một phần của chương trình F-35 nhưng đã bị Mỹ đẩy ra khỏi liên minh hợp tác vì mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga, mà Mỹ cho rằng có thể làm tổn hại đến các nền tảng của phương Tây, bao gồm cả F-35.

Andrew Novo, một thành viên cấp cao của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu và là giáo sư tại Đại học Quốc phòng, cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn nhiều thiện cảm với Mỹ".

Novo nói với Insider: "Nhiều chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân gây lo ngại", trích dẫn thương vụ mua S-400, việc ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO, các hành động khiêu khích với Hy Lạp và Síp, các cuộc tấn công nhằm vào các chiến binh người Kurd vốn là đồng minh của Mỹ ở Syria, căng thẳng ở Iraq, cùng sự tham gia của Ankara vào cuộc chiến ở Libya.

Bản sửa đổi của Hạ viện Mỹ liên quan đến yêu cầu mua F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị Tổng thống Joe Biden mô tả các bước đang được thực hiện "để đảm bảo rằng những chiếc F-16 đó không được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cho các cuộc xâm phạm lãnh thổ trái phép với Hy Lạp".

Chuyên gia Novo cho biết, bản sửa đổi có thể là "một cách thực tế để thử và kiểm soát khả năng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế Ankara trở nên độc lập hơn trên trường quốc tế trong việc sử dụng quân đội".

Ông nói thêm: "Nó có thể là một con bài thương lượng hữu ích chống lại điều gì đó mà Washington muốn làm với Ankara".

Bầu trời Aegean căng thẳng

Athens và Ankara thường xuyên cáo buộc bay vào không phận của nhau. Các máy bay hai nước thường xuyên đụng độ với nhau trên khu vực Aegean.

Chuyên gia Novo nói: "Hy Lạp có được F-35 không phải là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn vì vũ khí đó sẽ cung cấp cho Hy Lạp một nền tảng máy bay chiến đấu vượt trội".

Lực lượng Không quân Hellenic có phi đội máy bay chiến đấu gần 200 chiếc, hơn một nửa trong số đó là F-16. Phi đội máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn một chút nhưng cũng chủ yếu là F-16. Điều này đã tạo ra một sự ngang bằng ở hiện tại, nhưng tình hình đang thay đổi.

Hy Lạp đang nâng cấp 84 chiếc F-16 lên cấu hình Viper mới nhất và gần đây đã đặt hàng 24 chiếc Rafale của Pháp, loại tiên tiến hơn một chút so với F-16 nhưng không phức tạp bằng F-35.

Mặt khác, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phục hồi sau cuộc đảo chính năm 2016, dẫn đến việc hàng trăm phi công bị sa thải .

Novo nói với Insider rằng việc tham gia chương trình F-35 sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế hơn so với F-16 của Hy Lạp. Nhưng nếu yêu cầu F-35 của Hy Lạp được chấp thuận, "nó chắc chắn sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải suy nghĩ kỹ về việc thách thức Hy Lạp trên bầu trời" và sẽ cải thiện đáng kể "khả năng răn đe của Hy Lạp".

Việc không thể nâng cấp và mở rộng phi đội F-16 đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Ankara được cho là đang xem xét Eurofighter Typhoons - máy bay thế hệ 4,5 giống như Rafale - thay vì những chiếc F-16 tiên tiến.

Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với công ty BAE Systems của Anh để phát triển TF-X , một loại máy bay tàng hình thế hệ thứ năm dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2028.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ HÜRJET để giảm sự phụ thuộc của lực lượng không quân vào Mỹ.

Từ lâu, Mỹ đã tìm cách hỗ trợ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như kiềm chế mối quan hệ đối địch lâu dài đôi bên, coi hai quốc gia này như một bức tường thành quan trọng ở Đông Nam Châu Âu.

Trong khi có những lời kêu gọi Mỹ duy trì vai trò hòa giải bình đẳng, mối quan hệ ngày càng tăng với Athens và căng thẳng gia tăng với Ankara dường như phản ánh tính toán đang thay đổi ở Washington.

Tác giả: Mạnh Kiên

Nguồn tin: ttvn.toquoc.vn

  Từ khóa: Hy Lạp , NATO , F-35 , Thổ Nhĩ Kỳ , máy bay

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP