Thế giới

Đám phán với Nga bế tắc, NATO cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự gia tăng

Phát biểu trước báo chí sau khi kết thúc phiên họp, các quan chức ngoại giao Nga cho biết “không có bất cứ dấu hiệu tích cực nào được ghi nhận”.

Cuộc họp Hội đồng Nga-NATO về an ninh châu Âu ngày 12/1 tiếp tục kết thúc trong bế tắc khi cả hai phía Nga và NATO kiên quyết không nhượng bộ trong các quan điểm, khiến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina đang thực sự gia tăng.

Các quan chức NATO và Nga tại cuộc họp. Ảnh: NATO

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nga-NATO kể từ năm 2019 kết thúc sau 4 giờ đàm phán căng thẳng tại Brussels mà không đạt được bất cứ tiến triển nào xung quanh tình hình an ninh tại Ukraina. Phát biểu trước báo chí sau khi kết thúc phiên họp, các quan chức ngoại giao Nga cho biết “không có bất cứ dấu hiệu tích cực nào được ghi nhận”, đồng thời Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Alexander Grushko tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng nếu các giải pháp chính trị không đủ đáp ứng, phía Nga sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để loại bỏ các mối đe dọa mà nước này đang phải đối mặt.

Cùng thừa nhận sự bế tắc của cuộc họp, Tổng thư ký khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, ông Jens Stoltenberg cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự thực sự ở châu Âu đang gia tăng, khi khác biệt giữa Nga và các nước NATO vẫn còn quá lớn.

“Các cuộc đàm phán không hề dễ dàng nhưng chính vì thế mà cuộc họp này trở nên quan trọng. Chúng tôi đã có nhưng trao đổi rất nghiêm túc và thẳng thắn về tình hình xung quanh Ukraina cũng như các hệ lụy với an ninh châu Âu. Khác biệt giữa các đồng minh NATO với Nga trong các chủ đề này là rất lớn và không dễ xóa bỏ, nhưng dù sao việc NATO và Nga cùng ngồi xuống bàn thảo luận về các chủ đề này cũng đã là một tín hiệu tích cực”, ông Jens Stoltenberg nói.

Cuộc họp Hội đồng Nga-NATO đầu tiên kể từ tháng 07/2019 diễn ra chỉ 1 ngày sau khi quan chức hai nước Mỹ và Nga kết thúc hai ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) về các đòi hỏi an ninh của Nga, trong đó trọng tâm là việc Nga yêu cầu NATO chấm dứt việc mở rộng về phía Đông, trong tương lai không kết nạp các nước như Ukraina, Gruzia làm thành viên NATO, đồng thời rút quân khỏi các nước gia nhập NATO sau năm 1997.

Các yêu cầu này cũng đã được phía Nga nhắc lại trong cuộc họp Hội đồng Nga-NATO nhưng cũng giống như Mỹ, các quan chức NATO đều đánh giá yêu cầu của Nga là “không thể chấp nhận được”./.

Tác giả: Quang Dũng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP