Tin địa phương

Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Cần Thơ

Mặc dù mới vào mùa mưa nhưng tại TP Cần Thơ sốt xuất huyết đã diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng nhanh. Chỉ trong thời thời gian ngắn từ giữa tháng 5 tới nay đã có gần 200 ca nhiễm tại đây. Điều này được cho là dấu hiệu nguy hiểm khi mùa dịch thường diễn ra kể từ đầu tháng 7 hàng năm.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám bệnh cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết Ảnh: Thúy An.

Đến sớm và diễn biến phức tạp

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ phải nhận nhiều ca sốt xuất huyết (SXH) đến điều trị.

Con số 200 ca bệnh chưa dừng lại, mà có dấu hiệu tăng lên do sau những trận mưa thì lăng quăng xuất hiện khá nhiều ở những vật dụng phế thải, ao hồ, sông, kể cả trong những dụng cụ trữ nước của người dân vùng ven.

Đáng chú ý, không chỉ trẻ em dính SXH mà người lớn cũng bị. Những năm trước, SXH bắt đầu bùng phát ở những vùng nông thôn, nhưng nay tại các khu vực thuộc trung tâm TP Cần Thơ, chỉ trong thời gian ngắn đã có cả trăm người SXH. Quận Ninh Kiều có nhiều người mắc nhất, hiện đã lên tới hơn 50 người.

Theo các bác sỹ làm công tác y tế dự phòng thì việc dịch phát triển mạnh tại những khu dân cư đông đúc là mối lo lớn, vì sự lây lan sẽ rất khó lường.

Thông tin từ BV Nhi đồng TP Cần Thơ đầu tháng 6 cho biết, số ca nhập viện tại Khoa SXH chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ từ 10 - 15 tuổi.

Trong đó, có những ca nặng, phải điều trị tích cực và kéo dài là do gia đình chủ quan, khi con em đã bị nặng mới đưa vào bệnh viện. Khi đó, bệnh đã sâu và xuất hiện biến chứng.

Cũng cần nói thêm rằng, với TP Cần Thơ, năm nào cũng có những dịch SXH. Năm 2016, khoảng tháng 8, dịch bùng phát mạnh, với khoảng 442 ca mắc SXH; tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, đáng lo ngại là có 1 trường hợp trẻ tử vong do sốc SXH Duengue nặng, tái sốc nhiều lần và gây tổn thương đa cơ quan.

Thống kê của cơ quan y tế Cần Thơ, tỷ lệ mắc SXH độ nặng (độ C) diễn biếnphức tạp, chiếm trên 14% các ca mắc SXH. Độ tuổi dưới 15 vẫn là nhóm mắc sốt xuất huyết chủ yếu; chiếm tỷ lệ trên 88%.

Sau đó 1 năm, từ tháng 7 đến hết tháng 10-2017, SXH tại Cần Thơ tăng đột biến. Chỉ riêng trong tháng 9, đỉnh điểm của dịch, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết số ca mắc SXH trên địa bàn tăng 66% so với cùng kỳ năm 2016.

Do người mắc SXH tăng đột biến, Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ luôn trong tình trạng tải. 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường. Có trường hợp người nhà và bệnh nhân phải mắc võng, kê ghế nằm trong các hành lang.

Cũng trong năm 2017, tính cho đến hết tháng 10, tại Cần Thơ có tới 1.850 ca mắc SXH phải điều trị.

Triệu chứng và cách đề phòng

Ngày 5/5 mới đây, tại lễ phát động chiến dịch hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH tại TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Tấn Bỉnh- giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong số 30 quốc gia có mật độ lưu hành SXH cao nhất thế giới. SXH là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo các chuyên gia y tế, SXH cũng không thật khó nhận nếu có ý thức đề phòng.

Triệu chứng dễ nhận ra là người mắc SXH thường sốt cao, các khớp xương bị đau nhức, phát ban và sung huyết (nhất là ở mắt). Tuy nhiên, do chủ quan, người dân thường cho là sốt thông thường nên tự ý mua thuốc bên ngoài tự điều trị. Vì vậy, khi bệnh đã nặng, đưa vào bệnh viện phải mất nhiều thời gian và công sức chữa trị.

“Không nên tự mình là bác sĩ cho mình và người thân trong gia đình, nhất là trong thời kỳ khi SXH đã xuất hiện”- ThS.BS Chu Thị Ngọc Lan khuyến cáo.

Theo BS Lan, chính quyền địa phương nơi đã xuất hiện bệnh nhân SXH rất cần chủ động phối hợp với nhan viên Y tế dự phòng phun thuốc diệt loăng quăng tại những khu vực có thể là “ổ chứa” mầm bệnh, như tại các nơi đổ phế thải, bãi rác, và nhất là ao hồ, sông nước.

Còn người dân cần chủ động bỏ lượng nước tồn đọng trong các bể, thùng chứa, nhằm loại bỏ môi trường sống của vi khuẩn gây bệnh. “Dập dịch ngay từ đầu vẫn là cách phòng chống SXH hữu hiệu nhất”- theo BS Lan.

Trong việc dập dịch, sự phối hợp 3 bên: người dân - ngành Y tế - chính quyền địa phương là rất quan trọng, tránh tâm lý “khoán” cho ngành Y tế như vẫn thường thấy.

BS Thạch Minh Đức, người có nhiều kinh nghiệm điều trị SXH cho biết, bệnh SXH diễn biến theo trình tự từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy (lên đỉnh điểm).

Tuy nhiên, không thể chủ quan ngay khi ngày đầu tiên bị mắc, mà phải điều trị ngay, không để bị sốc, thậm chí có dấu hiệu rối loạn đông máu, nôn ra máu, chảy máu cam…

Với người đã bị mắc SXH, cần có chế độ chăm sóc, điều trị tích cực, đúng cách.

Cơ thể người bệnh lúc đó yếu, sức đề kháng suy giảm vì thế chế độ ăn uống phải đúng cách, đủ chất, tăng cường những dưỡng chất phù hợp.

Cụ thể, người mắc SXH thay vì ăn cơm thì cần được ăn cháo trong suốt thời gian điều trị, để tránh cho dạ dày phải làm việc nhiều.

Cam được coi là loại trái cây thích hợp nhất với bệnh nhân SXH vì có khả năng bổ sung tốt Vitamine C.

Đu đủ cũng tốt vì giúp sản sinh tiểu cầu nhanh. Người bệnh cần được uống trà thảo mộc, nước dừa để bổ sung lượng nước trong cơ thể.

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng cũng khuyến cáo, đối với người mắc SXH hạn chế tối đa dầu rán trong chế biến thực phẩm, cũng như không ăn cay.

BS chuyên khoa 2 Huỳnh Minh Trúc- giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết, tình hình SXH tăng từ tháng 4 cho đến nay. Hiện đang vào cao điểm của mùa mưa nên tình hình có thể diễn biến phức tạp.

Từ nay cho tới tháng 10, 11 sẽ là tháng cao điểm của sốt xuất huyết. Đối với những địa bàn trọng điểm thì lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng, lãnh đạo Sở Y tế sẽ xuống trực tiếp để giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ để khống chế dịch.

Tác giả: Nguyễn Thanh Đức

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP