Theo văn bản chính quyền Cần Thơ gửi tỉnh Đồng Tháp, qua các buổi làm việc, phía nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quan tâm việc đầu tư đồng bộ, hiệu quả liên kết vùng của các dự án. Do đó, kết quả trao đổi về dự án giữa Cần Thơ và Đồng Tháp là cơ sở báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà tài trợ.
Phà Ô Môn - Phong Hoà qua sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đổng Tháp. Ảnh: Cửu Long |
Phương án 1, dự án có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69 km, bắt đầu từ vị trí giao quốc lộ 80 (ở khu vực Đông Nam TP Sa Đéc, Đồng Tháp). Sau đó công trình đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, đến huyện Lai Vung, vượt sông Hậu tại vị trí cách phà Thới An - Phong Hòa khoảng 2,5 km về phía thượng lưu kết nối quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, giao với quốc lộ 91, chạy qua huyện Thới Lai (Cần Thơ) để đi về huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Phương án 2, tuyến có chiều dài khoảng 70 km, bắt đầu từ nút giao tuyến tránh TP Sa Đéc rồi đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, nhập vào hướng tuyến của phương án 1.
Trước đó, hồi tháng 9/2021, chính quyền Cần Thơ đề xuất xây cầu Ô Môn tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương huy động 4.500 tỷ đồng. Sau khi Trung ương chấp thuận, Cần Thơ cùng Đồng Tháp và các bộ, ngành liên quan triển khai thủ tục đầu tư.
Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt, tuyến liên vùng Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phát triển các khu công nghiệp, thúc đẩy thương mại đầu tư và phát triển giữa các tỉnh miền Tây.
Tác giả: Cửu Long
Nguồn tin: vnexpress.net