Tin địa phương

Đề xuất giải pháp phát triển đô thị Cần Thơ bền vững

Mới đây, tại Cần Thơ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ phối hợp tổ chức phi chính phủ Friedrich Naumann Việt Nam (FNF), Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) - Trường Đại học Cần Thơ, tổ chức hội thảo Phát triển đô thị bền vững thích ứng BĐKH. Hội thảo với mục tiêu tìm kiếm những khuyến nghị, giải pháp tiềm năng trong việc phát triển đô thị TP Cần Thơ bền vững trước bối cảnh BĐKH. Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững của các thành phố trong nước và thế giới, các giải pháp phát triển đô thị TP Cần Thơ bền vững trong thời gian tới.

Cần Thơ cần hướng đến thành phố xanh, thông minh, hiện đại.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: TP Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL; đầu mối giao thương quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với cả nước và quốc tế. Tác động của BĐKH ngày càng khắc nghiệt, việc phát triển kinh tế, quản lý đô thị tại Cần Thơ và các thành phố lớn trong cả nước là vấn đề cần được quan tâm. Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức đặc biệt, là dịp để đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới trong bối cảnh BĐKH; kỳ vọng nhận được nhiều đề xuất, khuyến nghị cho việc xây dựng các chính sách, các giải pháp để phát triển đô thị bền vững, thịnh vượng.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc FNF tại Việt Nam, cũng cho rằng việc tổ chức hội thảo lần này rất phù hợp cho sự phát triển của TP Cần Thơ. Thực tế cho thấy quốc gia nào càng giàu đẹp thì quốc gia đó càng quan trọng việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Với những bước tiến vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam những năm qua, tin tưởng Việt Nam có thể mạnh mẽ ứng phó với các vấn đề môi trường cũng như có thể thích ứng tốt với BĐKH, đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng chung trong khu vực.

Theo GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, trong bối cảnh BĐKH toàn cầu, vấn đề phát triển thành phố thông minh, hiện đại, thành phố xanh và đặc biệt là tăng sức chống chịu, giảm thiểu tác động của BĐKH là xu hướng quan trọng trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay. Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL và là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam về diện tích, dân số và quy mô kinh tế. TP Cần Thơ đang gặp nhiều thách thức lớn như tình trạng ngập lụt ở các đô thị, sạt lở bờ sông, ùn tắc giao thông và những vấn đề về quản lý rác thải, nước thải... Do đó, việc xây dựng đô thị TP Cần Thơ phát triển bền vững, xanh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, thích ứng với BĐKH, là thành phố động lực của vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị là vấn đề cần được các cấp, các ngành và các nhà quản lý và nhà khoa học quan tâm, triển khai thực hiện.

Tại hội thảo, chuyên gia nêu giải pháp kinh tế tuần hoàn trong nền đô thị thông minh, định hướng phát triển cho đô thị Cần Thơ thời gian tới. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, cho rằng kinh tế tuần hoàn có thể coi là một công cụ giải quyết bài toán về kinh tế - môi trường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn đóng góp trực tiếp 9/17 mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn hay đề cập đến các mô hình kinh doanh có thể áp dụng được như: chuỗi cung ứng tuần hoàn, phục hồi tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm, nền tảng chia sẻ. Ngoài ra, còn có các công nghệ đột phá hiện nay như công nghệ số, công nghệ vật lý, công nghệ sinh học. Kinh tế tuần hoàn áp dụng ở các cấp độ khác nhau: nhỏ (sản xuất, công ty, người tiêu dùng), vừa (khu công nghiệp sinh thái), lớn (thành phố, vùng, quốc gia và xuyên quốc gia). Còn đô thị thông minh và đô thị xanh là đô thị đáng sống, tăng trưởng kinh tế, không phát thải, sinh thái, tăng cường khả năng chống chịu (khí hậu, ngập lụt đô thị, dịch bệnh). Các nhóm giải pháp kinh tế tuần hoàn gắn với đô thị thông minh là: đô thị thông minh; xây dựng, quản lý, vận hành; liên quan đến du lịch, năng lượng; nông nghiệp - thực phẩm, sức khỏe; bảo tồn và phát triển văn hóa, sinh kế cộng đồng; giám sát môi trường; vấn đề quy hoạch đô thị của thành phố; tận dụng các giải pháp phát triển đô thị sinh thái; phát triển các hạ tầng xanh (cây xanh, mặt nước)…

Ông Nguyễn Thanh Tại, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng TP Cần Thơ), cho rằng: BĐKH nằm trong quy định của pháp luật về công tác lập quy hoạch, cũng như quản lý các đồ án, quá trình phát triển đô thị. Vừa qua, đối với TP Cần Thơ liên quan lũ kết hợp với triều cường cùng lúc xảy ra, gây ra ngập. Do đó, dẫn đến công tác thực hiện đồ án quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thời gian tới cần tính đến yếu tố bất ngờ xảy ra; định hướng khu vực Ninh Kiều đã có Dự án 3 với hệ thống đê bao và cống ngăn triều, cơ bản cốt nền không cần phải tôn cao ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lực xã hội; còn các khu vực còn lại cần tính toán lại câu chuyện cốt nền.

Theo ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, hiện nay vấn đề nổi trội nhất là ngập lụt đô thị, vừa ngập xong tới chuẩn bị xâm nhập mặn. Ngập lụt đô thị do triều cường, hệ thống cống thoát nước cũ và mới chưa đồng bộ, do mưa. Kịch bản xấu nhất là kết hợp cả triều cường, mưa và thoát nước không kịp. Do đó, Cần Thơ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập, gần đây trên địa bàn quận Ninh Kiều đã triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, đối với khu vực đô thị mới hiện nay một số nơi đã có hiện tượng ngập cũng cần có giải pháp. Ngoài ra, khi ngập cũng phải có giải pháp điều tiết giao thông phù hợp, cảnh báo tuyến đường ngập, giờ ngập và hướng dẫn tuyến đường có thể đi lại để giảm thiểu tác động ngập lụt đô thị. Thành phố cũng cần quy hoạch ao hồ để tích trữ và điều tiết nước; phát triển mảng cây xanh đô thị.

Tác giả: ANH KHOA

Nguồn tin: baocantho.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP