Giảm chi phí
Ông Đặng Văn Kiệt, ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Bây giờ nông dân trồng lúa đã khỏe hơn trước rất nhiều nhờ phần lớn các khâu trong quá trình sản xuất được cơ giới làm thay cho sức người, nhất là các khâu làm đất, bơm tưới, thu hoạch lúa, thậm chí thu gom rơm cũng bằng máy luôn!”. Anh Hà Thanh Vũ, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Nông dân trồng lúa rất quan tâm áp dụng cơ giới hóa vì hiệu quả mang lại rất thiết thực. Việc áp dụng thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đã giúp giảm tỷ lệ hao hụt lúa, tiết kiệm thời gian và chi phí so với thu hoạch bằng tay. Muốn vậy, nông dân phải tiêu thoát nước cho ruộng lúa lúc chuẩn bị thu hoạch để nền ruộng khô ráo, thuận lợi cho việc thu hoạch lúa bằng máy trong cả 3 vụ lúa trong năm”. Nếu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, mỗi công lúa nông dân chỉ cần bỏ ra từ 260.000-300.000 đồng là xong, trong khi thu hoạch theo phương pháp thủ công phải tốn chi phí gấp 2-3 lần, lại rất khó thuê mướn nhân công.
Thời gian qua, hầu hết diện tích lúa tại TP Cần Thơ đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 789 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng 92% diện tích vụ đông xuân, 98% diện tích vụ hè thu và 100% diện tích vụ thu đông. Đến các vụ thu hoạch lúa, nông dân còn tăng cường thêm nhiều máy gặt đập liên hợp từ các tỉnh lân cận đến làm dịch vụ thu hoạch lúa. TP Cần Thơ hiện cũng có hơn 1.300 lò sấy, khâu sấy lúa khá tốt thay cho phương pháp phơi lúa thủ công trước đây. Ngoài ra, nhiều khâu quan trọng khác trong sản xuất lúa như: làm đất, bơm tưới… cũng được cơ giới hóa hoàn toàn.
Hiện nay, nhiều nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái cũng đỡ vất vả hơn trước nhờ đưa máy móc vào phục vụ làm đất và áp dụng tưới nước cho cây trồng bằng các hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động. Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền... đã có hàng trăm héc-ta trồng cây ăn trái được nông dân lắp đặt các hệ thống tưới phun tự động. Ông Nguyễn Văn Hảo, ngụ khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Có gần 7/18 công đất trồng nhãn Ido của gia đình được gắn hệ thống tưới phun tự động, với chi phí lắp đạt ở mức gần 5 triệu đồng/công. Số tiền đầu tư ban đầu “hơi ngán”, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, tiết kiệm chi phí và khả năng tưới nước cho vườn cây tiện lợi, nhanh chóng. Tôi chỉ cần bật cầu dao điện là nước tự động phun đều khắp vườn cây chỉ trong vòng 15-20 phút và chỉ tốn một vài Kwh điện với giá chỉ vài nghìn đồng. Dự kiến, tới đây tôi sẽ lắp đặt hệ thống tưới phun tự động cho tất cả các diện tích vườn cây còn lại”. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, hiện có hơn 78 hộ dân trồng cây ăn trái áp dụng công nghệ tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái với tổng diện tích hơn 56,8ha. Các hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái được nông dân Thốt Nốt đầu tư với chi phí chỉ khoảng 20-30 triệu đồng/ha, nhưng có thể giúp nông dân tiết kiệm chi phí tưới từ 14-18 triệu đồng/năm.
Khuyến khích nhân rộng
Tiến sĩ Trương Chí Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar tại TP Cần Thơ, cho rằng: “Ngành nông nghiệp Cần Thơ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa và bón phân, xịt thuốc. Đặc biệt, nếu tăng cường cấy lúa bằng máy cấy kết hợp với áp dụng phương pháp bón phân chôn vùi có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí bởi chỉ cần sử dụng 30-40kg lúa giống/ha và giảm hơn 1/3 lượng phân bón sử dụng so với hiện nay. Lượng phân bón sử dụng càng được tiết kiệm hơn khi sử dụng phân tan chậm bón chôn vùi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ giới hóa các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác ngoài lúa như: cây trồng cạn, cây lâu năm, chăn nuôi và thủy sản để giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”. |
Hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là rất rõ ràng. Song, nhiều nông dân vẫn còn gặp khăn về vốn và khả năng tiếp cận, ứng dụng các máy móc, công nghệ mới nên rất cần sự hỗ trợ thêm từ các ngành chức năng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho rằng, cần có thêm các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về vốn để nông dân tăng cường đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng cây ăn trái, nhất là đầu tư các hệ thống tưới phun nước tự động, nhằm chăm sóc tốt cây trồng, giảm chi phí, nâng cao được chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, chứ làm theo kiểu truyền thống khó cạnh tranh.
Đến nay, nhiều khâu trong quá trình sản xuất lúa ở TP Cần Thơ hầu như được cơ giới hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới trong sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng vật nuôi khác vẫn có những khâu còn yếu, cần được đẩy mạnh hơn nữa như: cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, bón phân, phun thuốc… Điều này, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm phối hợp các ngành chức năng để nghiên cứu, khuyến khích phát triển các công nghệ, máy móc mới phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và có các định hướng, lộ trình đẩy mạnh cơ giới hóa đối với hoạt động sản xuất của từng loại cây trồng vật nuôi cụ thể gắn định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp thành phố.
Tác giả: KHÁNH TRUNG
Nguồn tin: Báo Cần Thơ