Nghiêm túc đánh giá thực trạng
Để Cuộc vận động tiếp tục hoạt động có hiệu quả đi vào chiều sâu, BCĐ Cuộc vận động TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 81-KH/BCĐ.CVĐ.TP ngày 15-6-2018 về việc điều tra dư luận xã hội đánh giá kết quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2018 với số lượng 1.000 phiếu xin ý kiến trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Ban Tuyên giáo Thành ủy là thành viên BCĐ Cuộc vận động đã chủ trì phối hợp và tổ chức triển khai cuộc điều tra, xây dựng phiếu trưng cầu ý kiến bao gồm 11 câu hỏi với nhiều nội dung khác nhau nhằm đánh giá kết quả tình hình thực hiện Cuộc vận động tại TP Cần Thơ. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị tham mưu giúp cấp ủy, UBND thành phố và các quận, huyện chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hiệu quả cũng như tạo sự hưởng ứng tích cực của dư luận các tầng lớp nhân dân về Cuộc vận động này trong thời gian tới.
Người tiêu dùng đã có nhận thức và ưu tiên hơn trong việc mua sắm, chọn hàng hóa Việt Nam. |
Kết quả cho thấy trong tổng số 1.000 đối tượng được khảo sát có 45,2% rất quan tâm; 43,7% quan tâm có mức độ; 9,3% không quan tâm và chỉ 1,8% là không biết. Trong đó, việc rất quan tâm đến Cuộc vận động thuộc thành phần hưu trí, cán bộ công chức có tỷ lệ từ 55% đến 57%. Những người có độ tuổi từ 30 tuổi trở lên và những người sinh sống ở thành thị có mức quan tâm đến Cuộc vận động cao hơn những người trẻ tuổi và sống ở nông thôn (người 30 tuổi trở lên 74,7% và sinh sống thành thị 66,4%). Kết quả điều tra cho thấy nguồn tuyên truyền Cuộc vận động chủ yếu thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình và báo chí (báo viết, báo điện tử và truyền thanh, truyền hình). Trong đó, nổi bật nhất là Đài Truyền thanh của quận, huyện, xã, phường, thị trấn với tỷ lệ cao nhất là 47,5%.
Khi được hỏi “Nhu cầu mua hàng hóa, thường chú trọng đến các yếu tố gì?”. Kết quả thống kê cho thấy, hầu hết phần lớn ý kiến là chú trọng đến yếu tố Chất lượng với tỷ lệ là 69,7%, Độ an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng là 64%. Như vậy, khi lựa chọn sản phẩm người tiêu dùng thường quan tâm đến chất lượng cũng như mức độ an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, kế đến là giá cả (58,7%), nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (42,2%), hình thức mẫu mã (24,7%), thương hiệu (27,4%)... Qua câu hỏi “Từ khi có Cuộc vận động đến nay, ông (bà) đã có những suy nghĩ, việc làm nào dưới đây?”. Kết quả thống kê cho thấy: Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam 58,8%; khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam 48%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam là 28,6%; thông qua công tác tuyên truyền của Cuộc vận động, người tiêu dùng đã có nhận thức và ưu tiên hơn trong việc mua sắm, chọn hàng hóa Việt Nam. Trong đó, thành phần công nhân và sinh viên học sinh có tỷ lệ ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ 65 - 69%.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt
Bà Lê Thị Sương Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, nhận định, thông qua Cuộc vận động ý thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam (thể hiện qua việc xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam với tỷ lệ khá cao, đạt 58,8%). Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tình trạng buôn lậu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm có chiều hướng gia tăng… nên phần nào làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động. Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài cũng như thách thức từ việc cắt giảm thuế theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN do đó công tác vận động mua sắm hàng Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Qua điều tra cho thấy, công tác tuyên truyền Cuộc vận động, thông tin đến người tiêu dùng về hàng hóa mang thương hiệu Việt vẫn còn rất thấp (chỉ có 19%). Nhận thức của người tiêu dùng mặc dù có thay đổi trong mua sắm các sản phẩm thương hiệu Việt thay cho các sản phẩm nước ngoài, tuy nhiên tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người dân vẫn còn khá cao (12,7%). Cùng với sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động chưa đồng bộ, kịp thời vì vậy hiệu quả của cuộc vận động có phần hạn chế... Để Cuộc vận động tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy kiến nghị: Về phía Nhà nước, cần quan tâm rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ mức tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong cam kết quốc tế; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuế, phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả hành vi chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài mà không ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, giá...; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam nhằm mục đích cung ứng cho các cơ sở bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu. Phía địa phương, cần tăng cường tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua một số các chương trình, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cải thiện chất lượng hàng hóa.
Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, BCĐ Cuộc vận động các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hằng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng. Ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại địa phương làm ra, góp phần làm cho Cuộc vận động thật sự thiết thực và hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện bốn nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, mặt trận, các đoàn thể, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện cuộc vận động. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện cuộc vận động ở cấp cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn... Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và cả tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động. Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng và phát triển các điểm bán hàng Việt cố định ở các huyện để phục vụ nhân dân, phát động tháng cao điểm cuộc vận động với nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các đợt khuyến mãi, giảm giá thành sản phẩm… để khuyến khích tăng trưởng sản xuất và sản lượng tiêu dùng.
Tác giả: Khánh Nam
Nguồn tin: Báo Cần Thơ