Tuyến đường Trần Hưng Đạo, nội ô thành phố Cần Thơ ngập sâu sáng nay, 30/10. |
Theo bản tin thủy văn của Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước cao nhất trạm Cần Thơ trên sông Hậu đo được lúc 5 giờ 30 phút sáng 30/10 đạt cao nhất 2,20m, vượt mức báo động III (2m), cao hơn con nước rằm tháng 9 vừa qua 0,07cm (đỉnh triều cũ 2,13m). Dự báo, đỉnh triều tiếp tục đạt mức cao 2,20m lúc 18 giờ 30 phút tối cùng ngày. Các tuyến đường nội ô thành phố sông nước này sẽ tiếp tục bị ngập sâu, ảnh hưởng khá lớn hoạt động đi lại, mua bán kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường. |
Chủ động kế hoạch để ứng phó, giảm thiểu tác động
Phóng viên: Để chủ động ứng phó triều cường xâm nhập vào nội ô thành phố, ngành chức năng thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo gì về kế hoạch ứng phó với triều cường, thưa ông?
Ông Trần Việt Trường: Để chủ động tăng cường các giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại triều cường gây ra, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp Đài Khí tượng thủy văn thành phố theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục thông tin về diễn biến của triều cường; ban hành sớm nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa bão, lũ năm 2023 tại thành phố Cần Thơ để các cơ quan và người dân biết để chủ động phòng chống, ứng phó.
Có nhiều nguyên nhân gây ngập lụt nội thành phố Cần Thơ, trong đó có triều Biển Đông, địa hình thấp và do đô thị hóa làm giảm khả năng tiêu thoát nước. |
Phóng viên: Thành phố Cần Thơ là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất do ngập lụt bởi triều cường gây ra hằng năm , vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Ông Trần Việt Trường: Nguyên nhân xảy ra ngập lụt tại thành phố Cần Thơ có sự tham gia của nhiều yếu tố như: vị trí địa lý, điều kiện địa hình, do tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, do mưa với cường suất lớn, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, quá trình đô thị hóa… Trong những năm gần đây, tình trạng ngập lụt tại thành phố Cần Thơ diễn biến khá phức tạp đã gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội. Đặc biệt là hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố.
Thành phố Cần Thơ có địa hình bằng phẳng hơi nghiêng theo các chiều: cao từ đông bắc thấp dần xuống tây nam và cao từ bờ sông Hậu thấp dần vào nội đồng, rất đặc trưng cho dạng địa hình châu thổ. Cao độ mặt đất phổ biến từ 0,5÷1,0m so mực nước biển. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ, hầu hết các trận ngập sâu, trên diện rộng đều trùng với thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh và triều cường lớn nhất tháng 9, tháng 10, tháng 11 hằng năm.
Triều Biển Đông là một trong những nguyên nhân chính gây ra ngập lụt tại thành phố Cần Thơ (đặc biệt là khu vực nội ô các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy). 1 chu kỳ triều trung bình 15 ngày trong đó có 1 kỳ triều cường và 1 kỳ triều kém. Thời kỳ triều cường thường xảy ra vào các ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng (hoặc trước hay sau vài ngày). Cũng có nghĩa là, trong 1 tháng xuất hiện 2 lần ngập lụt tại thành phố Cần Thơ, mỗi đợt kéo dài từ 5 đến 7 ngày, từ thời điểm nước lên đến khi đạt đỉnh và rút theo triều trung bình từ 3 đến 5 giờ.
Còn đặc điểm mưa tại thành phố Cần Thơ thường kéo dài từ 30 phút đến 120 phút. Vào những tháng trung tâm của mùa mưa như tháng 9, 10, 11 với những trận mưa lớn, một số tuyến đường, con hẻm không có hệ thống cống tiêu thoát hoặc có nhưng cống bị nghẹt, bị hư hỏng không tiêu thoát được gây ra tình trạng ngập.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Khi mưa xuống hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm lượng dòng chảy tập trung. Thêm vào đó, khả năng tiêu thoát hạn chế của hệ thống tiêu thoát nước nên dễ xảy ra ngập úng.
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2022, trên địa bàn thành phố Cần Thơ ghi nhận 12 năm cao độ mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vượt mức 2 mét (vượt Báo động III). Trong đó có 1 đợt triều cường với mức đỉnh triều cao lịch sử lên tới 2,27m vào rằm tháng 9 âm lịch năm 2022 (ngày 12/10/2022).
Vào thời điểm ngập sâu, Công an thành phố Cần Thơ bố trí lực lượng túc trực, hỗ trợ người dân và phương tiện lưu thông an toàn. |
Kiểm soát chủ động triều cường vào nội ô
Phóng viên: Vậy thành phố đã có những giải pháp gì để ứng phó hiệu quả với triều cường, thưa ông?
Ông Trần Việt Trường: Về giải pháp trước mắt, Ban Chỉ huy đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc chủ động, tăng cường chỉ đạo công tác chống ngập lụt trong đợt triều cường đầu tháng, rằm tháng 8 âm lịch và các đợt triều cường trong tháng 9, tháng 10 âm lịch. Trong đó, chỉ đạo tập trung thực hiện một số nội dung như: tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triều cường, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
Công an thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và bảo đảm an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu. Tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời; đồng thời phối hợp các lực lượng liên quan triển khai phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông phù hợp.
Các đơn vị liên quan kiểm tra các công trình, mức độ an toàn lưới điện, trạm biến áp ngầm, nổi để bảo đảm an toàn, đặc biệt các trường học, khu dân cư bị ngập sâu. Đối với các quận trung tâm, đặc biệt là quận Ninh Kiều, tổ chức kiểm tra các tuyến đường, các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Khi triều xuống, nước rút, tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước bảo đảm cho nước rút một cách dễ dàng, nhanh nhất, không bị ứ đọng, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường. Chỉ đạo các phường rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Một đoạn kè sông Cần Thơ trong tổng số 6,1km kè dọc tuyến sông này để bảo vệ vùng lõi trung tâm quận Ninh Kiều khỏi nguy cơ ngập úng. |
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố. Các chỉ đạo, giải pháp trên đã được tổ chức thực hiện và đã phát huy hiệu quả góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực do ngập lụt, triều cường trong thời gian qua trên địa bàn thành phố.
Còn phương án lâu dài, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy.
Công trình trong hợp phần 1 của dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị sẽ kiểm soát chủ động tình trạng nước xâm nhập nội ô. |
Hợp phần 1 của dự án sẽ đầu tư hơn 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, hơn 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp các hạng mục công trình khác của dự án như các âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các cống ngăn triều (Đầu Sấu, rạch Sao, rạch Ranh, rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan tình trạng ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm.
Thành phố cũng đang triển khai thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều với tổng số 32 tuyến đường và các trạm bơm.
Phóng viên: Cảm ơn ông!
Tác giả: QUỐC DŨNG
Nguồn tin: Báo Nhân dân