Tin địa phương

Cần Thơ tập trung phát triển hệ thống cảng dọc sông Hậu

Thành phố Cần Thơ đang tập trung đến cuối năm nay sẽ hoàn thành xong quy hoạch hệ thống bến cảng, trong đó có một bến cảng mới là cảng Ô Môn.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc với Cục Hải quan thành phố Cần Thơ ngày 24/10, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thành phố đang tập trung đến cuối năm nay sẽ hoàn thành xong quy hoạch hệ thống bến cảng của Cần Thơ; trong đó có một bến cảng mới là cảng Ô Môn.

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 16/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết Thủ tướng đã nhấn mạnh việc phát triển giao thông đường thủy trong đó có hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng cạn. Do đó, thành phố đang tập trung và rất kỳ vọng vào việc xây dựng các cảng để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới.

"Trước giờ chúng ta luôn nói Cần Thơ là trung tâm của vùng nhưng lại chưa hề có một quy hoạch cảng nào. Như cảng Cái Cui tổng chiều dài cầu cảng chỉ 180m, còn cảng Thốt Nốt, một bến đang có lưu lượng hàng hóa nhộn nhịp, cầu cảng cũng chỉ có 120m. Chỉ cần một chiếc tàu vào thì đã hết rồi thì làm sao lưu thông hàng hóa nhanh, làm sao giảm chi phí logistics được", Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói.

Theo ông Hiếu, hiện nay dư địa vận tải hàng hóa đường thủy bằng sà lan vẫn còn rất lớn. Mỗi sà lan có thể chở từ 150 - 200 container hàng hóa, trong khi thiết kế của sà lan chỉ yêu cầu mớn nước thấp là có thể chạy được, không như các loại tàu biển tải trọng lớn đòi hỏi mớn nước sâu hơn.

Thêm vào đó, nếu sử dụng sà lan để vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ lên các cảng ở Tp. Hồ Chí Minh thì sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển rất nhiều so với đi bằng đường bộ như hiện nay. Khi đó chi phí đưa một container hàng từ Cần Thơ lên cảng Cát Lái sẽ tương đương Bình Phước, Tây Ninh đi bằng đường bộ.

Một ưu điểm khác của vận tải bằng sà lan là sử dụng ít nhiên nhiệu cũng như giảm số lượng nhân sự tham gia vào chuỗi logistics. Đây chính là vận tải xanh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng, rất thuận lợi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch cảng của thành phố. Sau đó sẽ tiến hành thu hồi đất, tiến hành đấu giá chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

"Việc xây dựng cảng và hệ thống logistics sẽ do nhà đầu tư thực hiện còn thành phố chỉ làm công tác quản lý nhà nước", Bí thư Cần Thơ nói. Ông Hiếu cũng đề nghị khi cảng hình thành và có nguồn hàng tốt thì Cục Hải quan thành phố phải lập ngay Chi cục Hải quan trực thuộc ở đó để thực hiện quản lý nhà nước, thu ngân sách.

Đối với cảng Ô Môn, người đứng đầu Đảng bộ thành phố Cần Thơ đề nghị tiếp tục quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo. Khi có cơ sở pháp lý rõ ràng thành phố sẽ xúc tiến mời gọi nhà đầu tư vào cảng này.

Trong chuyến khảo sát các cảng biển trên địa bàn trước đó, lãnh đạo thành phố Cần Thơ thống nhất xem xét đề xuất giới thiệu đến nhà đầu tư dự án xây mới bến cảng Ô Môn với chức năng cảng biển tổng hợp hàng hóa, container phục vụ các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận như An Giang, Đồng Tháp.

Việc xây dựng thêm cảng Ô Môn sẽ giúp Cần Thơ tận dụng được lợi thế sông nước để phát triển kinh tế; trong đó có hoạt động công nghiệp và dịch vụ cảng, tiếp vận hậu cần, hình thành các doanh nghiệp phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu xung quanh các bến cảng này. Khi đó Cần Thơ tự nhiên sẽ trở thành trung tâm của vùng về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến việc thành lập một Chi cục Hải quan tại Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng cần có cái nhìn tổng thể về tất cả khu công nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh, bao gồm VSIP để có quy hoạch tổng thể, bố trí quỹ đất cho các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp cũng như các doanh nghiệp hậu cần phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khu công nghiệp bao giờ cũng phải gắn liền với cảng và dịch vụ tiếp vận hậu cần (logistics) chứ không thể nằm một mình, vì như vậy sẽ làm giảm sức thu hút với nhà đầu tư cũng như việc cạnh tranh của khu công nghiệp. Đồng thời, dễ xảy ra vấn đề ách tắc hàng hóa khi đi vào sản xuất lớn.

Cần Thơ có khoảng 60 km chiều dài sông Hậu chảy ngang. Dọc tuyến sông này đang có các cảng biển là cảng Cái Cui với 2 bến cảng đang khai thác (bến cảng Cái Cui do Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ khai thác và bến cảng Tân Cảng Cái Cui do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khai thác); cảng biển Hoàng Diệu do Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ khai thác; cảng biển Trà Nóc - Ô Môn do Công ty Lương thực Sông Hậu khai thác; cảng biển Thốt Nốt do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khai thác. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Cần Thơ năm 2023 là 4,48 triệu tấn.

Tác giả: Thanh Liêm

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP