Tin địa phương

Cần Thơ lấy ý kiến triển khai 4 chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu

4 chiến lược do thành phố Cần Thơ xây dựng được các nhà khoa học trong nước, ngoài nước và các nhà quản lý đánh giá cao.

Sáng 17/5, TP Cần Thơ lấy ý kiến các nhà khoa học trong và ngoài nước lần cuối để triển khai thực hiện 4 chiến lược chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) nước biển dâng.

Các đại biểu nêu ý kiến, thành phố nên thiết kế hệ thống cống trục chính dài 20km, mỗi năm chúng ta làm 1km thì 20 năm sau, hệ thống này vẫn không lạc hậu

Các chiến lược gồm: Xây dựng khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ đối với ngập lụt và ô nhiễm môi trường thông qua phát triển cơ sở hạ tầng xanh (gọi tắt là hạ tầng xanh); Nâng cao đời sống người dân và giá trị nền kinh tế thành phố Cần Thơ thông qua việc đánh giá khả năng chống chịu của chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực (gọi tắt là chuỗi giá trị); Tăng cường khả năng chống chịu của nhóm yếu thế thông qua hỗ trợ sinh kế và môi trường sống đối với các cộng đồng dân cư yếu thế và dễ bị tổn thương tại thành phố Cần Thơ (gọi tắt là nhóm yếu thế) và cuối cùng là, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch gắn với tăng cường khả năng chống chịu thông qua việc xây dựng cơ chế điều phối liên ngành đối với 3 chiến lược trên (gọi tắt là cơ chế điều phối).

Tại buổi lấy ý kiến, các nhà khoa học trong nước, ngoài nước và các nhà quản lý đánh giá cao về 4 chiến lược do thành phố xây dựng. Đây là biện pháp để chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập úng khi triều cường dâng cao.

Đại diện của Tổ chức ISET nêu ý kiến tại cuộc họp.

Các nhà khoa học cho rằng tình trạng sạt lở, sụt lún đã và đang diễn ra cần phải có biện pháp quan trắc và xử lý sớm, không nên để tới giai đoạn năm 2025-2027. Hiện nay hệ thống sông rạch của một số quận nội ô thành phố giảm mạnh so với những năm trước đây do đã được san lấp để xây dựng các công trình. Đây là nguyên nhân gây ngập, nhất khi triều cường dâng cao. Hệ thống cống thoát nước của thành phố quá nhỏ, dẫn đến dễ ứ đọng rác cần phải khắc phục sớm.

Góp ý về dự thảo, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ thì cho rằng, biểu đồ thủy văn chưa thuyết phục với những người làm chuyên môn. Trung bình nhiệt độ một năm không nói lên điều gì, phải xác định lại cho khoa học hơn, thuyết phục hơn. Đồng thời đưa thêm các khoảng biến động và hệ số tương quan.

Theo ông Tuấn, biểu đồ về sự suy giảm chiều dài kênh rạch của năm 1965 so với năm 2017 nên ghi nguồn rõ ràng. Bởi xem lại bản đồ không ảnh thì hệ thống sông rạch Cần Thơ không đến nỗi giảm nhiều như vậy. Đặc biệt sau năm 1975, thành phố có xây dựng rất nhiều kênh thủy lợi, tạo nhiều kênh, mương.

Cũng theo ông Tuấn, Cần Thơ xuất hiện nhiễm mặn vào năm 2016 nhưng mức độ nhẹ và theo quy luật 100 năm mới xuất hiện, thì không thể coi là mức độ nghiêm trọng cao. Lấy số liệu cảnh báo cho 100 năm gắn cho năm 2030 làm cho cảm giác sợ hãi thêm. "Một khi mình đưa ra số liệu không chính xác thì quyết định công trình không chính xác sẽ gây ra lãng phí”- ông Tuấn nói.

Tại cuộc họp lấy ý kiến, Ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết các chiến lược này dự kiến sẽ được công bố và triển khai thực hiện từ tháng 6 tới.

“Sau khi được lựa chọn, Văn phòng CRO (Văn phòng dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu”) cùng nhóm nòng cốt thực hiện dự án cũng đã lấy ý kiến của Ban cố vấn, các chuyên gia và lấy ý kiến cộng đồng. Đến hôm nay, Chiến lược có khả năng chống chịu của thành phố cơ bản cũng đã hoàn thành. Dự kiến giữa tháng 6/2019, chúng ta sẽ công bố chiến lược có khả năng chống chịu của Cần Thơ”, ông Đào Anh Dũng cho biết./.

Tác giả: Thanh Tú/VOV-ĐBSCL

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP