Quang cảnh hội thảo “Hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam - Công viên tái chế tại TP Cần Thơ”. |
Rác phát sinh trên 930 tấn/ngày
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – Đào Anh Dũng cho biết, quản lý chất thải rắn, trong đó có các loại chất thải từ vật liệu nhựa là nhiệm vụ rất khó khăn. Do tính tiện lợi của các vật dụng từ nhựa, nên lượng rác thải nhựa phát sinh ngày một nhiều và trở thành vấn đề nan giải ở nhiều địa phương, nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức này. Với quan điểm xem bảo vệ môi trường là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp quản lý, xử lý chất thải, trong đó có những giải pháp xử lý, nghiên cứu tìm năng để tận dụng chất thải từ vật liệu nhựa một cách hiệu quả.
Ông Đào Anh Dũng cho biết thêm, việc tìm kiếm ra các giải pháp mới, hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố cần sự tham gia đóng góp ý tưởng của các nhà chuyên gia, các doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Giải quyết được vấn đề rác nhựa, nhất là những biện pháp tận dụng, tái chế rác từ nhựa không những mang lại giá trị kinh tế, còn mang lại nhiều lợi ích nền tảng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững...
Ông Nguyễn Chí Kiên – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ cho biết, kết quả quan trắc năm 2016, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 930 tấn/ngày, tăng so với năm 2015 là 11tấn/ngày. Trong lĩnh vực công nghiệp, hằng ngày Cần Thơ có khoảng 150-180 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh. Bình quân lượng chất thải y tế phát sinh đối với 1 bệnh nhân gần 0,2kg/người/ngày.
Thành phố có 796 nguồn chất thải nguy hiểm và lượng chất thải phát sinh hằng năm trung bình khoảng 1.700 tấn/năm; lượng được vận chuyển, xử lý trung bình khoảng 1.500 tấn/năm; tổng lượng được tự xử lý bởi các chủ nguồn thải trung bình khoảng 200 tấn/năm.
Tổng khối lượng chất thải rắn thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn thành phố khoảng 650 tấn/ngày. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được sử dụng là chôn lấp và từng bước chuyển đổi qua công nghệ đốt. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải rắn bằng các lò đốt chưa có thu hồi năng lượng, điều này gây khó khăn, lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng khí thải.
Mỗi ngày TP Cần Thơ phát sinh khoảng 930 tấn chất thải rắn sinh hoạt. |
Hiện TP chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, công nghiệp nguy hại và y tế nguy hại. Vì vậy, thành phố cũng đang tìm kiếm các giải pháp xử lý bằng các công nghệ tiên tiến khác nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo tốt về vấn đề môi trường - ông Kiên thông tin.
Làm công viên tái chế từ rác nhựa thải
Nói về các vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển của TP Cần Thơ, PGS.TS. Nguyễn Trung Hiếu - Chánh Văn phòng Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu (100RC) TP Cần Thơ đánh giá, cũng như các thành phố khác, Cần Thơ đang đối mặt với các nguy cơ và thách thức nội tại như: dân số tăng, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp và chưa theo kịp tốc độ phát triển; các tác động bên ngoài như việc sử dụng nước từ thượng nguồn chưa hợp lý, thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến tình trạng hạn mặn, hiện tượng sụt lún, xói lở đất… vấn đề nước thải và bùn thải ra môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của người dân. Do đó chúng ta cần một chiến lược để tăng cường khả năng chống chịu của TP tốt hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trung Hiếu để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương để Cần Thơ cần hướng đến nghiêm cứu chuyên sâu các quy hoạch định hướng bền vững theo hướng phát triển cơ sở hạ tầng xanh; nâng khả năng chống chịu với các “cú sốc”, áp lực tự nhiên để cộng đồng dân cư được đảm bảo cuộc sống, nền kinh tế ổn định; đảm bảo cho những người dễ bị tổn thương có điều kiện sống và sinh hoạt tự nhiên tốt hơn.
Bà Sabine Voermans – Trường Đại học Công nghệ ứng dụng HZ (Hà Lan) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhưa cao nhất thế giới. Rác thải nhựa cũng là vấn đề đau đầu trong lĩnh vực môi trường ở ĐBSCL. Rác nhựa thải tác động xấu nhất là ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, rạch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Để xử lý rác thải nhựa trên các kênh, gạch, bà Sabine Voermans đã đưa ra ý tưởng hệ thống thu gom rác thải nhựa - Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế ở TP Cần Thơ để góp phần cho thành phố xanh và sạch hơn. Theo đó, hệ thống sẽ thực hiện việc thu gom rác thải nổi trên sông theo cơ chế dòng chảy của nước, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái tạo hệ sinh thái sông. Đồng thời, sử dụng các loại rác thải nhựa tái chế để thực hiện những công viên nổi qua đó để nâng cao nhận thức của người dân Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Qua khảo sát những điều kiện tự nhiên tại khu vực hồ Bún Xáng, hồ Xáng Thổi, rạch Ngỗng, rạch Cái Khế, sông Cần Thơ... bà Sabine Voermans cho biết nhiều điểm có khả năng triển khai tốt mô hình hệ thống thu gom rác thải nhựa - Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế; tuy nhiên hệ thống này, không thu gom được hết lượng rác thải mà phải kết hợp với việc thu gom bằng thuyền.
Tác giả: Thành Thật
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam