Xã hội

Bé 5 tuổi tử vong nghi do mắc tay chân miệng

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM xác nhận một bệnh nhi tử vong đêm 31/5 với chẩn đoán lâm sàng là tay chân miệng.

Ngày 1/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh nhi 5 tuổi nhập viện và điều trị tay chân miệng. Qua quá trình sàng lọc, chẩn đoán lâm sàng bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng đêm 31/5, bệnh nhi không qua khỏi.

"Bệnh viện đang gửi mẫu đi làm xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, dự kiến 1-2 ngày sẽ có kết quả. Tuy mới vào đầu mùa bệnh tay chân miệng, nhưng số trẻ bị mắc bệnh độ nặng chiếm tỷ lệ cao. Dự báo năm nay số ca mắc và ca nặng sẽ tăng nhiều", đại diện bệnh viện cho biết.

Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng và biến chứng có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có tổng cộng hơn 40 trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú. Số lượng chưa quá cao nhưng tỷ lệ nặng lại tăng, chiếm khoảng 30%. Thuốc phenobarbital truyền tĩnh mạch cho trẻ mắc tay chân miệng độ 3 và 4 đang thiếu, phải dùng thuốc khác thay thế.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột. Các dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh bao gồm sốt, loét miệng, xuất hiện hồng ban mụn nước thường ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.

Bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não cũng như các biến chứng khác về tim mạch, hô hấp. Trẻ gặp biến chứng có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Sở Y tế lưu ý phụ huynh đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, tuân thủ lịch tái khám.

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biểu hiện nghi ngờ biến chứng của bệnh như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình nhiều (trên 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút), yếu chi đi loạng choạng, co giật, ói nhiều, thở nhanh, thở mệt, tím tái, lơ mơ, hôn mê.

"Hiện nay, chưa có vaccine ngừa bệnh tay chân miệng. Trẻ cần được phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Trẻ nhỏ bị tay chân miệng nên nghỉ học để tránh lây lan cho bạn bè. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, xử lý phân, dịch tiết", Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Tác giả: LÂM NGỌC

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP