Tin địa phương

Cần Thơ: Số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, số ca sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận từ đầu năm 2021 đến nay tăng 118 ca so với cùng kỳ 2020. Số ca mắc tay chân miệng (TCM) tăng đến 550 ca. Nguy cơ dịch chồng dịch nếu người dân không nâng cao ý thức phòng bệnh.

Bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh khám cho trẻ bị bệnh TCM.

Cần chủ động phòng bệnh

Theo CDC Cần Thơ, tính từ đầu năm 2021 đến chiều 20-4-2021, toàn thành phố ghi nhận 633 ca TCM, tăng 550 ca so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các quận, huyện đều ghi nhận số ca mắc TCM tăng cao. Trong đó, Thốt Nốt 139 ca (cùng kỳ 2020 chỉ có 6 ca), Vĩnh Thạnh có 81 ca (cùng kỳ chỉ có 8 ca), Ninh Kiều 87 ca (cùng kỳ có 14 ca), Ô Môn 68 ca (cùng kỳ có 6 ca)...

Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2021, BV tiếp nhận điều trị ngoại trú 1.201 trẻ, nội trú 257 trẻ ở Cần Thơ bị TCM, tăng 930 ca điều trị ngoại trú và 165 ca nội trú so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân tăng so với năm 2020, do thời điểm đó giãn cách xã hội, trẻ học tại nhà, không tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên ít nguy cơ lây bệnh.

Theo Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, trung bình một ngày khoa điều trị 70-100 trẻ bị TCM. Hiện nay bệnh chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh tăng nhưng so với đỉnh dịch của năm 2018-2019 thì số ca TCM năm nay vẫn thấp hơn. Mọi năm, số ca TCM thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5, từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, nên các bậc cha mẹ hết sức chú ý phòng bệnh cho trẻ.

BV Nhi đồng TP Cần Thơ là tuyến cuối nhi khoa ở khu vực ÐBSCL nên thường tiếp nhận các ca bệnh nặng. Theo Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, một số ca nặng do nhiễm chủng virus có độc lực cao EV71, còn lại do người nhà không theo dõi sát, không tuân thủ lời dặn của bác sĩ khi khám bệnh đã dặn, không kịp thời phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng. Khi nhập viện điều trị, người nhà theo dõi sát trẻ. Nếu trẻ nôn ói nhiều, ngủ giật mình, sốt cao liên tục, lừ đừ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, quấy khóc... cần báo ngay với bác sĩ, vì đó là dấu hiệu chuyển nặng. Nhiều người cho rằng trẻ nổi càng ít bóng nước càng nặng. Nổi bóng nước nhiều hay ít không đánh giá được bệnh nặng hay nhẹ. Ðiều quan trọng khi phát hiện trẻ bị nổi bóng nước, cần đưa đi khám ngay.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh TCM chuyển sang độ nặng rất nhanh, dấu hiệu rất âm thầm, nên tốt nhất là nhập viện sớm để theo dõi sát, không chậm trễ trong quá trình điều trị. Ðồng thời, phòng bệnh bằng cách rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Phó trưởng Khoa SXH thăm hỏi bệnh nhi bị SXH.

Mùa mưa - cảnh báo SXH

Theo CDC Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến chiều 20-4-2021, toàn thành phố ghi nhận 401 ca SXH, tăng 118 ca so cùng kỳ. Trong đó số ca bệnh tăng tập trung ở các quận: Ninh Kiều 112 ca (cùng kỳ có 76 ca), Thốt Nốt 74 ca (cùng kỳ có 37 ca), Ô Môn 67 ca (cùng kỳ có 40 ca), Bình Thủy 40 ca (cùng kỳ có 21 ca)... Theo Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Phó trưởng Khoa SXH, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, lượng bệnh nhi nhập viện vì bệnh SXH không tăng nhiều vì mới đầu mùa mưa. Thông thường, lượng bệnh nhi nhập viện tăng từ tháng 5 đến tháng 11. Ðây là bệnh thường gặp ở khu vực phía Nam nói riêng và ÐBSCL nói chung. Vì thế, các BV, Trung tâm y tế đều rất quen thuộc trong công tác điều trị.

Bệnh SXH thông thường sau 7 ngày là hồi phục. 3 ngày đầu thường nhẹ hơn. Bắt đầu chuyển nặng từ ngày thứ 4, qua ngày thứ 7 phục hồi dần. Nếu trẻ chỉ bị sốt, có thể điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng với thức ăn lỏng, dễ tiêu, cho uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt không hạ, chảy máu chân răng, lừ đừ, đau bụng, nôn ói... các biểu hiện khác với bình thường thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Bệnh SXH dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. Vì thế, Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường khuyên các bậc phụ huynh, khi thấy con mình bị hầm hầm (sốt) 3 ngày không khỏi thì đưa đến BV để làm xét nghiệm chẩn đoán SXH. Hiện nay, test nhanh NS1 có thể chẩn đoán bệnh SXH rất sớm.

Với trẻ nhỏ, bác sĩ khuyên khi chẩn đoán SXH, người nhà nên cho trẻ nhập viện điều trị bởi khi đó sẽ có bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sát. Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường cho biết: Việc theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển độ, dấu hiệu chuyển nặng quyết định thành công điều trị. Nếu để ở nhà, theo dõi không sát, bệnh của trẻ trở nặng thì việc điều trị rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Trong quá trình điều trị tại BV, nếu trẻ nôn ói nhiều, sốt cao không hạ, chảy máu chân răng... người nhà phải báo điều dưỡng, bác sĩ ngay.

Phát động chiến dịch diệt lăng quăng

Theo CDC Cần Thơ, trong tình hình bệnh SXH tăng, cộng với những cơn mưa đầu mùa, nguy cơ bùng phát dịch SXH. Ngành Y tế vừa phát động Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết, Zika dựa vào cộng đồng đợt 1-2021. Mục tiêu huy động mọi lực lượng tại các xã, phường, thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch, chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi nhằm làm giảm thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch SXH, Zika.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ kiểm tra dụng cụ chứa nước tại phường Long Hưng, quận Ô Môn.

Có 13 xã, phường, thị trấn trọng điểm ở 6 quận, huyện được thành phố chọn hỗ trợ kinh phí vãng gia thực hiện chiến dịch đợt 1: An Hòa, Tân An, An Khánh, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều); Bình Thủy, An Thới (quận Bình Thủy); Long Hưng, Thới Long, Thới An (quận Ô Môn); Tân Lộc, Trung Kiên (quận Thốt Nốt); Trung Thạnh, thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh). Ðây là các đơn vị có số mắc SXH tăng cao trong tháng 3-2021 và tăng cao so với cùng kỳ năm 2020; có số mắc ca SXH tính trên 100.000 dân vượt trung bình cộng 5 năm (2016-2020).

Thực hiện chiến dịch: Lần 1, từ ngày 22-4 đến 24-4. Lần 2, từ ngày 6-5 đến 8-5. Các đoàn gồm: tổ chăm sóc sức khỏe nhân dân, cộng tác viên, ban, ngành, đoàn thể... của ấp, khu vực chia nhóm từ 2-3 người chịu trách nhiệm vãng gia tuyên truyền từng cụm dân cư cụ thể. Ngoài ra, theo CDC, mỗi quận, huyện chọn 1 điểm trong ấp của xã, khu vực làm chiến dịch để điều tra mật độ muỗi, chỉ số nhà có lăng quăng và chỉ số Bréteau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng).

CDC Cần Thơ phối hợp Trung tâm y tế tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện trong cộng đồng và hộ gia đình tại các xã thực hiện chiến dịch. Ngoài 13 xã, phường trọng điểm được hỗ trợ kinh phí, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ đề nghị Trung tâm y tế quận, huyện tham mưu lãnh đạo địa phương triển khai chiến dịch ở các điểm nóng mới. Trong vãng gia tuyên truyền, chú ý vệ sinh môi trường bên ngoài nhà, lu, hũ ngoài vườn. Ðịa phương chú ý xử lý ổ dịch triệt để, tránh lây lan. Với bệnh TCM diễn biến phức tạp. Ðầu tháng, trong tiêm ngừa thường xuyên, trạm y tế lồng ghép truyền thông cho các bà mẹ có con nhỏ phòng bệnh. Ðồng thời phối hợp các trường mầm non, mẫu giáo tuyên truyền cho các bà mẹ.

Tác giả: H.HOA

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP