Tin địa phương

"Bảo tồn Sơn Trà - không sợ không đẻ ra tiền!"

Theo ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội TPHCM - nếu bảo tồn được loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà thì đó cũng là tiền. "Nó đẻ ra rất nhiều tiền nhưng không đẻ trực tiếp. Giá trị của nó là vô hình, giá trị tâm linh và rất nhiều giá trị ngoại giao. Vì thế chúng ta phải bảo vệ Sơn Trà".

Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà”, sáng 15/7, TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, cho biết, để có giải pháp cho Sơn Trà cần phải chấp nhận thiệt thòi, phải hy sinh và phải can đảm. Tức là phải can đảm và chấp nhận những thiệt thòi đó, đền bù cho các doanh nghiệp, các tư nhân. Bởi vì họ không sai.

“Tôi nghĩ là Đà Nẵng nên đổi đất cho các doanh nghiệp. Ở Đà Nẵng có nhiều đất, có thể đổi những miếng đất đẹp hơn cho các nhà đầu tư và khuyến khích các nhà đầu tư không nên đầu tư vào khu bên trong. Việc chuyển đổi khu vực đất khác có thể nó không thể bằng 100% nhưng nó cũng có thể kinh doanh được”, TS. Long đề xuất.

TS. Vũ Ngọc Long cho biết thêm, hiện nay, thực tế vùng đai 200m là vùng rất giàu có. Vùng đai dưới 200m, nhất là hệ san hô, bảo biển đang bị suy giảm. Mà san hô đã chết tức là sẽ có hiện tượng bị sụt, xói mòn. Cho nên hệ sinh thái Sơn Trà phải xác định là vùng rất nhạy cảm, rất dễ thay đổi dưới tác động của môi trường…

“Đà Nẵng chúng ta còn mỗi Sơn Trà. Phải xác định xác định ưu tiên cái gì”, TS. Long nói.

Quang cảnh hội thảo

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, khi phát biểu trước Quốc hội, ông có nghe thông tin về Sơn Trà trên báo chí. Phản ứng chung của ông muốn nói là ở Việt Nam có những di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu và khi mất đi không bao giờ tái tạo lại được. Phát biểu của ông là phát biểu trên tinh thần phải ra sức bảo vệ di sản ấy.

Không phải chỉ để ngó, không phải chỉ để đi qua mà còn để phục vụ cho cả mục đích kinh tế nữa, nhưng phục vụ cho mục đích kinh tế với yêu cầu là phải bảo tồn cho được di sản đó. Đó mới gọi là phát triển bền vững. Hôm nay tham dự hội thảo, ông được học hỏi rất nhiều về Sơn Trà.

“Tôi càng thấy ý kiến của tôi, phản ứng tức thời của tôi tại Quốc hội là đúng hướng và có cơ sở khoa học, có cơ sở văn hóa để đưa đến một đề xuất: nhất thiết chúng ta không thể nào phát triển du lịch ở Sơn Trà theo cách như hiện nay được. Nhất thiết không cho phép xây dựng thêm và nhất thiết phải thay đổi cách phát triển du lịch với bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó phải tăng cường hơn nữa cả vật lực và tài lực và cả quy định pháp lý để bảo tồn Sơn Trà một cách hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cho rằng, theo luật pháp hiện nay và theo một cách hiểu tự nhiên, chính quyền Đà Nẵng và HĐND TP Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong vấn đề bảo tồn Sơn Trà. Và tất nhiên tất cả những trách nhiệm, hành động này nằm trong khuôn khổ chung của luật pháp quốc gia, trong đó có một số chương trình quốc gia, như hội thảo đang trình bày.

Và cũng đừng quên rằng, người dân Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và người dân Đà Nẵng mới là những người chủ của tài nguyên thiên nhiên, của thành phố này. Chính quyền cũng của dân, do dân, vì dân và đất đai thuộc sở hữu toàn dân, của người dân.

Ông Nghĩa đồng ý với quan điểm thu hồi các dự án ở Sơn Trà là bài toán khó. Nhưng theo ông, khó không có nghĩa là không giải.

“Luật pháp Việt Nam hiện nay, tiềm lực hiện nay, sự quan tâm của cả nước với Sơn Trà hiện nay, sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội hiện nay với Sơn Trà, sự quan tâm của công luận với Sơn Trà thì bài toán này khó mấy cũng giải được”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, các nhà doanh nghiệp nếu có bị thiệt hại, chính quyền phải làm việc với họ và nếu có phải đền bù, thì phải đền bù. Nhưng nếu quá sức chịu đựng của ngân sách thì vận động các doanh nghiệp và ông nghĩ nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ hoan nghênh các doanh nghiệp đó.

Voọc chà vá chân nâu sống trên bán đảo Sơn Trà

Ông Nghĩa cũng nêu quan điểm, yêu cầu Sơn Trà phải "đẻ" ra tiền là không hợp lý.

“Những động thực vật chưa từng ai động đến có giá trị đối với thế giới chứ không phải Việt Nam. Các đô thị hiện đại, bên cạnh đều có khu rừng, người ta tìm đến vùng xanh. Cái đó không "đẻ" ra tiền nhưng tái tạo sức lao động. Nhiếp ảnh cũng là "đẻ" ra tiền, khi có những bức ảnh đẹp người ta có thể bán được....”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, nếu bảo tồn được loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà thì đó cũng là tiền. "Nó đẻ ra rất nhiều tiền nhưng không đẻ trực tiếp. Giá trị của nó là vô hình, giá trị tâm linh và rất nhiều giá trị ngoại giao. Vì thế chúng ta phải bảo vệ Sơn Trà" - ông Nghĩa nói.

“Nếu chúng ta bảo tồn Sơn Trà thì biết bao người sẽ đến đấy, chúng ta không sợ là không đẻ ra tiền”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP