Tin địa phương

Bảo tàng nhỏ, lượng khách lớn ở Đà Nẵng

Được đầu tư xây dựng 40 tỷ đồng, sau 6 năm hoạt động, Bảo tàng Đà Nẵng trở thành điểm đến của hơn trăm nghìn lượt khách mỗi năm.

Đoàn khách Hàn Quốc đi xe ôtô dừng trước Bảo tàng Đà Nẵng (số 24 Trần Phú, quận Hải Châu), lần lượt xếp hàng mua vé 20.000 đồng mỗi người để vào tham quan. Bước qua cánh cửa, họ được lễ tân giới thiệu cụ thể tuyến đi, tiếp đó hướng dẫn viên tiếng Hàn tận tình thuyết trình về từng cổ vật.

Bảo tàng Đà Nẵng được khánh thành năm 2011, nằm trong khuôn viên di tích quốc gia Thành Điện Hải, là tòa nhà 3 tầng, trong đó có 3.000 m2 dành cho trưng bày hiện vật, tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia văn hóa, so với các bảo tàng được đầu tư nghìn tỷ ở Hà Nội thì quy mô bảo tàng Đà Nẵng nhỏ hơn, và nơi này hiện chưa có bảo vật quốc gia để trưng bày. Tuy nhiên, lượng khách đến Bảo tàng Đà Nẵng không ngừng tăng lên. Từ đầu năm đến nay, bảo tàng đón 130.000 lượt khách, trong đó hơn 100 nghìn lượt khách quốc tế (Bảo tàng Hà Nội đầu tư 1.600 tỷ, do chưa xong khâu trưng bày nên mỗi năm đón khoảng 100 nghìn lượt khách).

Hướng dẫn viên Chuẩn thuyết trình cho học sinh tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Bảo tàng muốn sống thì phải có khách"

Hình ảnh thường thấy mỗi ngày ở bảo tàng Đà Nẵng là những đoàn học sinh đến đây học ngoại khóa, và những đoàn khách Hàn Quốc, Trung Quốc,... xếp hàng vào tham quan. "Bảo tàng mở cửa 365 ngày trong năm, kể cả mùng một Tết vì lượng khách đến ngày càng đông", anh Trần Văn Chuẩn - hướng dẫn viên của bảo tàng nói.

Dẫn khách vào khu vực tiếp tân, anh Chuẩn lưu loát thuyết trình về ý nghĩa của năm bức phù điêu được thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay ôm lấy biển khơi.

Trên năm bức phù điêu là những hình ảnh được khắc họa tinh tế về truyền thuyết con rồng cháu tiên gợi nhớ về nguồn cội của người Việt Nam, thủ đô Hà Nội với rồng thời Lý, Khuê Văn Các, vua Lê Thánh Tông thống lĩnh binh lính đi mở cõi về phía Nam, hình ảnh cầu quay nối liền đôi bờ sông Hàn, cột mốc Hoàng Sa khẳng định chủ quyền Việt Nam,...

"Giới thiệu cho khách về những bức phù điêu này là khái quát về Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Đồng thời cũng cho thấy toàn cảnh lịch sử Việt Nam từ lập nước, mở cõi và trải qua những trận chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc", anh Chuẩn giải thích. Đoàn khách cứ thế bị cuốn vào những câu chuyện anh Chuẩn kể, qua những hiện vật đang trưng bày, từ khẩu súng thần công đến những chiếc thuyền nan đánh cá.

Anh Chuẩn chia sẻ, khi khách đông thì nhân viên vất vả hơn, nhưng những người làm bảo tàng vui hơn. "Bảo tàng muốn sống thì phải có khách, chứ không có khách thì như bảo tàng chết, không phát huy được giá trị và gây ra lãng phí", anh nói.

Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khuôn viên Thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Đông.

Khách đông hơn, thu nhập của nhân viên bảo tàng cũng tăng hơn trước. Anh Chuẩn thật thà cho rằng, "nếu khách đông mà đời sống anh em làm bảo tàng cứ dậm chận tại chỗ thì sẽ không có động lực để làm việc".

Bên trong bảo tàng là một vài quầy lưu niệm do tư nhân khai thác, giá được niêm yết công khai. Nhiều vị khách khi mua hàng ở đây đã quay lại, chấp nhận mua thêm một tấm vé vào bảo tàng chỉ để mua thêm hàng lưu niệm, vì giá rẻ hơn ở ngoài.

"Khách tham quan là thượng đế"

Nguồn thu của Bảo tàng Đà Nẵng năm 2016 là một tỷ đồng, năm nay dự kiến 1,5 tỷ đồng. Số tiền bán vé được đầu tư cho việc sưu tầm hiện vật, quảng bá, chi phí điện, nước, bảo vệ, an ninh... Ngân sách thành phố hàng năm chỉ phải chi trả lương cho 27 nhân viên của bảo tàng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng, cho biết không phải tự nhiên bảo tàng Đà Nẵng có được lượng khách và nguồn thu như bây giờ. Khi mới khánh thành, khách đến bảo tàng chỉ khoảng 10 đến 15 nghìn lượt mỗi năm. Nhờ nỗ lực quảng bá, cung cách phục vụ tận tình, lượt khách đã không ngừng tăng lên.

Mỗi khi có hội nghị xúc tiến du lịch, hay lễ hội ở các địa phương khác, nhân viên bảo tàng lại lên đường đi quảng bá. Bảo tàng cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện như triển lãm ảnh, triển lãm hiện vật, tài liệu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, những buổi học ngoại khóa của học sinh... Bảo tàng cũng duy trì thường trực đội ngũ hướng dẫn viên các tiếng Hàn, Trung, Anh, Pháp để kịp thời phục vụ du khách.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Chúng tôi không nghĩ bảo tàng chỉ là nơi cất giữ, bảo quản hiện vật mà là nơi nghiên cứu, học tập, đem câu chuyện ở bảo tàng đến với công chúng, do vậy cách sắp đặt và kể chuyện là rất quan trọng", ông Thiện nói.

Theo ông, "làm bảo tàng cũng giống như kinh doanh hàng quán", phải sạch sẽ từ khung trưng bày đến hiện vật. Thứ hai mỗi tuần, nhân viên bảo tàng lại lau chùi cẩn thận từng ngóc ngách. Các thùng rác cách điệu được đặt dọc lối đi vào, dưới chân cầu thang để khách không xả rác bừa bãi. Nhà vệ sinh ở mỗi tầng thường xuyên được lau chùi, dọn dẹp.

"Khi đã bán vé thì khách hàng là thượng đế, phải chăm sóc và phục vụ họ hết mình", ông Thiện đúc kết và thông tin thêm, nhiều vị khách khi đến bảo tàng đã quay video chia sẻ cảm nghĩ lên mạng xã hội, nhờ đó bảo tàng được quảng bá thêm.

Đà Nẵng hiện có bảy bảo tàng. Ngoài bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm trưng bày hiện vật Chăm lớn nhất ở Việt Nam, mỗi năm thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách, thì Bảo tàng Đà Nẵng xếp thứ hai về lượng khách.

"130 nghìn lượt khách trong 9 tháng qua tính ra là nhiều so với các bảo tàng khác. Nhưng so với lượng khách đến Đà Nẵng thì vẫn còn thấp. Chúng tôi sẽ cố gắng quảng bá, phục vụ khách tốt hơn nữa, với tham vọng mỗi năm sẽ phục vụ cho khoảng 30% lượt khách đến Đà Nẵng du lịch", ông Thiện nói.

Nơi học sử cho học sinh

Những chuyên đề dự kiến trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng hàng năm sẽ được giới thiệu đến các trường học để nhà trường nắm bắt nội dung, đăng ký cho học sinh tham gia học ngoại khóa. Cán bộ bảo tàng sẽ là những "giáo viên" đứng lớp để truyền đi thông điệp qua từng hiện vật.

"Môn sử lâu nay thường cứng nhắc, nhưng nếu học sinh đã đến bảo tàng thì không. Sau mỗi buổi học, các em được xem video liên quan đến câu chuyện và hiện vật vừa xem. Từ đó các em sẽ nhớ lâu hơn và sẽ yêu sử nước nhà.", ông Thiện nói và cho biết đã có hơn 15.000 học sinh ở Đà Nẵng đến bảo tàng học lịch sử.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP