Những nông sản có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 11 tháng qua là mặt hàng rau tăng 45,4% (kim ngạch 458 triệu USD); bắp (ngô) tăng 40,5%; muối tăng 36,5% (kim ngạch 22 triệu USD); bông vải tăng 28,6% (kim ngạch 2,8 tỉ USD).
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%). Giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 ngoại trừ Thái Lan (giảm 17,8%). Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Chi Lê (tăng 98,3%), tiếp đến là Mỹ (tăng 90%) và Hàn Quốc (tăng 83%).
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh minh hoạ |
Đáng chú ý, một số mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới như hạt điều, cao su lại có lượng nhập khẩu rất lớn. Cụ thể, lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 11 ước đạt 82.000 tấn với giá trị 127 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị điều thô nhập khẩu trong 11 tháng lên 1,14 triệu tấn và giá trị 2,25 tỉ USD.
Cũng trong tháng 11, các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu cao su, lên đến 46.000 tấn đưa tổng khối lượng cao su nhập khẩu trong 11 tháng lên 543.000 tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD, tăng 8,8% về số lượng và tăng gần 1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam thừa nhận mặc dù Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên với sản lượng hơn 1 triệu tấn nhưng vẫn phải nhập khẩu là vì chất lượng cao su trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Chỉ khoảng 20% sản lượng cao su trong nước được cung cấp cho các đơn vị sản xuất găng tay, sợi thun...
Đặc biệt, nhu cầu sản xuất vỏ xe cần chủng loại cao su SVR20, RSS3 nhưng trong nước không thể đáp ứng được nên phải nhập khẩu, trong khi chủng loại SVL3L chiếm tỉ trọng lớn nhưng nhu cầu lại hạn chế. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng gia dụng, giày dép cũng phải nhập khẩu cao su nguyên liệu vì hàng trong nước không đủ tiêu chuẩn.
Tác giả: N.Hải
Nguồn tin: Báo Người Lao Động