Liên minh châu Âu (EU) với 28 nước thành viên có tổng dân số khoảng 516 triệu người là khu vực kinh tế thịnh vượng, GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quan đầu người lên tới 40.890 USD/ người/năm. Với quy mô, dung lượng thị trường lớn, EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ khắp các nước trên thế giới, trong đó mặt hàng nông sản có tiềm năng tiêu thụ vô cùng lớn tại khu vực này.
Trong những năm qua, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với 18% lượng hàng xuất khẩu, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU còn có nhiều thách thức cùng những rào cản vướng mắc về chính sách, những quy định khắt khe của EU đối với hàng nhập khẩu nông sản của nhiều nước nói chung trong đó có Việt Nam.
Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường châu Âu. |
Cơ hội cho nông sản của Việt
Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho biết, doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ của Phillipines, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Trung Mỹ để từ đó nhận định được mặt hàng nào có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo đánh giá của ông Thường, giá hàng nông sản xuất khẩu vào EU không hấp dẫn so với các nước khác. EU đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn về hàng hóa, nhưng nếu nắm được hệ thống quản lý của EU thì hàng hoá có thể xuất đi toàn thế giới.
Nhận rõ tiềm năng xuất khẩu hàng hóa nông sản và thực phẩm từ thị trường EU, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu các loại hàng nông, lâm, thủy sản nhiệt đới, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, nông sản chế biến sang EU, như các loại trái cây và rau nhiệt đới, các loại gia vị, đồ nội thất bằng gỗ, các loại hải sản và nhuyễn thể nhiệt đới... Đồng thời, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản ôn đới, sản phẩm chăn nuôi, giống, vật tư nông nghiệp.
Tuy nhiên theo ông Công, hiện nay Việt Nam và EU mới đang áp dụng biện pháp kiểm dịch thông thường đối với trái cây và rau xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam mới chỉ yêu cầu được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và cấp Chứng thư kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất khẩu mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho các quy chuẩn mới của EU.
Ông Handyn Craig, Trung tâm phát triển kỹ thuật nông nghiệp Vương quốc Anh cho rằng, xuất khẩu nông sản và thực phẩm theo tiêu chuẩn chung của EU sẽ là cơ hội bảo vệ người tiêu dùng thông qua sản xuất bền vững và chuỗi cung ứng minh bạch. Để làm được điều này, các quốc gia xuất khẩu nông sản và thực phẩm vào EU cần ứng dụng tốt công nghệ để tăng hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
“Các nhà lãnh đạo của Anh trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đã có cam kết chung từ doanh nghiệp lên đến các viện nghiên cứu và chính phủ. Theo đó, các trung tâm đổi mới của Anh muốn kết nối toàn cầu, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu và chính phủ kết nối với các trung tâm đổi mới của Anh để xây dựng mối quan hệ trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và thực phẩm vào EU”, ông Handyn Craig cho biết.
Tận dụng các ưu đãi
Để đảm bảo hàng hóa nông sản của Việt Nam tăng thêm thị phần tại thị trường EU, ông Phan Văn Thường, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho rằng, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải đảm bảo an toàn. Muốn như vậy, các doanh nghiệp và địa phương phải tự xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đội ngũ cán bộ quản lý phải tương thích và đáp ứng theo hệ thống quản lý của thị trường châu Âu.
“Hiện nay hàng nông sản của Việt Nam xuất sang EU đang bị đánh thuế 14%, nhưng thời gian tới đây, khi các Hiệp định thương mại tự do được kí kết và đưa thuế về 0%, EU thực sự sẽ là cơ hội cho hàng nông sản của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần xác định xuất khẩu hàng hóa vào EU không phải vì số lượng, sản phẩm hàng hóa phải có giá trị gia tăng cao”, ông Thường chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Cao Quốc Hưng nhận định, EU hiện là 1 trong 2 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư và cũng là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam đặc biệt là hàng thủy sản và cà phê. Đồng thời, ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp của EU được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên sắp bước vào thời kỳ mới, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được hoàn tất, đang chuẩn bị được ký kết và phê chuẩn trong tương lai không xa. Hiệp định thương mại tự do này cũng tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng nông sản của hai bên.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các tư vấn quý giá của giới học giả, khoa học...
“Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU về nông sản là nơi để chia sẻ các kinh nghiệm tốt về nông nghiệp, phương thức tiếp cận thị trường một cách hiệu quả, nắm bắt được các chính sách ưu đãi mới trong tương lai. Từ đó các doanh nghiệp thiết lập được các mối liên hệ, hợp tác hiệu quả dựa vào thế mạnh đặc thù của địa phương để chuẩn bị một cách bài bản, tạo ra sản phẩm hàng hóa tốt nhất khi xuất khẩu bền vững vào thị trường EU”, ông Cao Quốc Hưng nêu rõ./.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo VOV