Người đàn ông đáng thương đó là Nguyễn Văn Vị (Thôn 5, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) mà chúng tôi đã trở về thăm sau khi lắng nghe câu chuyện từ cô Nguyễn Thị Sâm – Cán bộ cấp ủy chi bộ thôn 5 kể lại.
Gương mặt đầy những nét lo lắng và ái ngại, cô chậm rãi dẫn chúng tôi đến 1 gian nhà nhỏ, rách nát ở cạnh cánh đồng và kể: “Ông Vị nằm ở trong kia các cô chú ạ. Nói đến ông thì cả 1 vùng này không ai là không biết vì quá đặc biệt. Trước ông ấy có đi bộ đội từ năm 1972 đến năm 1976 thì về phục viên, sau đó cả gia đình đi vùng kinh tế mới ở trong miền Nam. Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc nên một thời gian ông ấy về làng và ở nhờ trong gian nhà này. Ông ấy yếu dần, yếu dần và không đi lại được nữa, giờ chỉ quanh quẩn ở trên chiếc giường kia thôi chứ không làm gì được”.
Ông Vị nằm co quắp 1 mình trong gian nhà nhỏ, rách nát. |
Đỡ ông ngồi dậy, nhưng chỉ được mấy phút là ông lại phải nằm ngay. |
Đúng như những gì đang được chứng kiến, chúng tôi thật sự đã sốc bởi không nghĩ thời buổi ngày nay lại có người khổ sở và sống trong cảnh tạm bợ đến nhếch nhác như vậy. Một mùi khai nồng và ẩm mốc sực lên bao kín gian nhà rộng chừng hơn chục mét vuông với phần cánh cửa đã hỏng mục từ lâu nên thành ra lúc nào cũng toang hoác. Trên nền nhà, đất trơn trượt mọc rêu xanh bao quanh 1 chiếc bàn cũ hỏng, 1 chiếc tủ cũ để bên trên là thùng mì tôm đang ăn dở và chiếc bếp ga hỏng cùng 2 chiếc nồi. Phía bên trong là chiếc giường ọp ẹp với chiếc màn được buông kín, nơi ông Vị đang nằm dõi ánh mắt ra nhìn. Thấy người lạ, ông chỉ cúi đầu ra hiệu chào rồi lại nằm nghiêng mình như đang suy nghĩ.
Ngôi nhà nơi ông Vị đang ở sống. |
Các vật dụng trong ngôi nhà đều rách nát. |
Mọi thứ đều cũ kĩ, tạm bợ. |
“Bác Vị ơi, hôm nay bác ăn gì chưa. Tôi pha cho bác bát mì tôm nhé”. Một người hàng xóm chạy sang hỏi han và giúp ông thu gọn chiếc màn lên để chúng tôi tiện hỏi chuyện. Ông gầy đến xác xơ, chân tay đều yếu với bộ áo quần mặc trên người có lẽ đã từ lâu lắm rồi không được thay. Ông bảo “đói lắm” nhưng khi hỏi ông thèm ăn gì nhất, ông chỉ nhìn chúng tôi không trả lời như thể có gì cho ông ăn được là tốt lắm rồi.
“Anh ấy trở về làng cũng gần chục năm rồi. Hỏi chuyện vợ con anh ấy chỉ im lặng không nói gì. Hôm Tết có con anh ấy cũng về nhưng rồi lại đi luôn. Giờ anh ấy yếu không đi lại được nữa, đầu óc cũng không còn minh mẫn nữa rồi”. Có mặt cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Mưa (em họ) ngại ngùng chia sẻ tình cảnh đáng thương của ông Vị.
Nhìn ông không ai đoán ông mới ngoài 60 tuổi. |
Ông bảo đói vì cả ngày chưa được ăn gì. |
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ chóng vánh chỉ đến vậy bởi ai cũng nghẹn lại, chẳng thể tiếp tục được nữa khi bắt gặp 1 tấm ảnh của ông có lẽ đã chụp từ rất lâu rồi, được treo ngăn ngắn ở giữa nhà. Bức ảnh ấy ông mặc quân phục trên ngực có gắn những huân huy chương sáng ngời mà hỏi ông cũng không nhớ là từ bao giờ nữa. Tấm ảnh đó cũng chính là vật có giá trị nhất trong gian nhà nát mà ông đang cầm cự cho qua ngày.
Trong nhà của ông, tấm ảnh này là vật quý giá nhất. |
Theo người dân ở đây, ngày qua ngày ông cứ yếu dần đến kiệt quệ. Ước mong của mọi người là 1 lần có điều kiện đưa ông đi bệnh viện thăm khám và đủ đầy cái ăn cho ông đỡ tội. Mong muốn ấy đơn giản và bình dị vô cùng nhưng với ông là cả một sự “xa xỉ” cả trong giấc mơ. Thương ông, thương 1 kiếp người khốn khổ khi ở độ tuổi về già lại phải chịu cảnh 1 mình, đến bát cơm ăn cũng không có.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Nguyễn Văn Mưa (em họ bác Vị): thôn 5, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương Số ĐT: 01669.143.373 |
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: Báo Dân trí