Có bệnh không dám khám
Nhìn những vết thâm nổi ngày một nhiều trên da, cộng thêm những cơn đau bụng âm ỉ kéo đến, chị Lưu Thị Chứ (thôn Thống Nhất, xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đăk Lăk) biết đó là dấu hiệu bất thường nhưng chẳng dám nói với ai. Những suy nghĩ đáng sợ về việc mình phải căn bệnh nào đó cứ quẩn quanh đầu chị, thúc giục chị mau đi khám bác sĩ. Thế nhưng còn người chồng khốn khổ vẫn đang nằm lay lắt chờ tiền chữa bệnh? Nghĩ đến đấy, chị đành chấp nhận số phận, âm thầm chịu đựng.
Chồng nằm viện, vợ nén đau không dám khám bệnh |
4 năm trước, chị Chứ từng mổ u cơ trơn tử cung. Sau khi mổ chị cũng chỉ tái khám được mấy lần rồi thôi. Gần đây, nơi vết thương cũ cứ căng lên đau khiến chị luôn cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, trên da tự nhiên xuất hiện những vết thâm. Dù lo lắng nhưng chị vẫn không nói cho ai biết, bởi điều quan trọng với chị lúc này là người chồng bệnh tật.
Đầu năm 2018, anh Hoàng Văn Tiến, chồng chị Chứ bị tai nạn cụt mất 2 đốt ngón tay, phải nghỉ làm một thời gian. Tháng 6/2018, anh bắt đầu gặp khó khăn về đại tiện, cơ thể bỗng dưng gầy rộc. Đi khám, anh được bác sĩ chẩn đoán đó là căn bệnh u đại tràng ở giai đoạn III. Sau khi phẫu thuật lấy khối u, anh phải tiếp tục điều trị nhiều đợt hóa chất.
Ngoài ra, anh Tiến còn bị bệnh gai đốt sống, một bên thận hư nên thể trạng yếu. Do tình trạng thiếu máu, quá trình điều trị luôn bị gián đoạn, thời gian điều trị càng kéo dài thêm. Gần 6 tháng, bác sĩ mới chỉ truyền cho anh được 3 toa thuốc. Bảo hiểm chỉ hỗ trợ một phần nên những khoản chi phí mua thuốc ngoài danh mục, gia đình anh chị phải trả khá nhiều.
Nợ cũ, nợ mới chồng chất
Nghe chúng tôi hỏi tới con cái, chị Chứ bật khóc. Hiện tại chị đang rất lo lắng cho cô con gái út. Từ khi dành nhiều thời gian chăm sóc chồng trong bệnh viện, mỗi lần gọi điện về nhà, chị nhận thấy có điều bất thường từ con.
"Có lần tôi điện về nó cứ hỏi ba sắp khỏi chưa, tôi phải nói dối là ổn rồi. Nó nói những câu mà tôi lạnh cả sống lưng như 'ba mẹ sinh con ra làm gì, bệnh tật mà chết con ở với ai'. Tôi phải động viên cháu mà trong lòng sốt ruột lắm", chị sợ hãi. Mặc dù người nhà cũng quan tâm nhưng về mặt tâm lý, có lẽ cô bé cần được theo dõi.
Anh Tiến bệnh tật đang điều trị lay lắt trong bệnh viện |
Trước kia, gia đình chị Chứ sống bằng nghề nông, có một sào đất trồng tiêu do mẹ chồng cho. Làm thuê làm mướn không đủ sống, gia đình mạnh dạn vay 400 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu. Để mượn được số tiền này, anh chị phải thế chấp mảnh đất và mượn một sổ đỏ của người chú.
Vườn tiêu đã được thu hoạch, tuy nhiên do sâu bệnh nên chết khá nhiều. Mỗi vụ được chừng 8 tạ tiêu, mỗi tạ 4,8 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí số tiền thu được cũng không còn bao nhiêu, chưa đủ chi phí sinh hoạt gia đình. Đến lúc anh Tiến ngã bệnh, chị Chứ loay hoay vay mượn để lo tiền chữa trị khiến nợ cũ, nợ mới cứ ngày càng chồng chất. Bệnh tật dồn dập, nợ nần bủa vây, cả gia đình rơi vào ngõ cụt.
Đưa tay lên vân vê vạt áo sờn cũ, chị run run nói: “Tôi đau nhưng không dám nói sợ chồng lo lắng buồn thêm. Hai đứa lớn đã có gia đình riêng mà hoàn cảnh các cháu cũng khó khăn, muốn lo cho cha mà không xuể. Giờ con út lại vậy, mình tôi cứ quay cuồng sợ hãi. Tiền không làm ra, nhiều việc cần quá chưa biết tính sao".
Mọi đóng góp có thể gửi về: Chị Lưu Thị Chứ, thôn Thống Nhất, xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đăk Lăk. SĐT: 085 7200 227 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet