Xe

VinFast muốn gì khi mua GM Việt Nam

VinFast sẽ có quyền phân phối nhiều thương hiệu của GM tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi công nghiệp ôtô điện trong tương lai.

VnExpress giới thiệu bài viết của độc giả Bùi Cao Sinh, một quản lý lâu năm trong ngành ôtô tại Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Những thông tin gần đây của VinFast đang dần tạo nên những hy vọng và tin tưởng với công chúng về thương hiệu ôtô Việt, gồm đoạn video ngắn về hai mẫu xe lộ diện tại Italy, hội nghị nhà cung cấp toàn cầu và mới đây là mua lại mảng kinh doanh lắp ráp, phân phối và bán lẻ của GM tại Việt Nam.

Quá rõ để thấy VinFast được nhiều từ sự hợp tác này. Nhưng hãy nhìn vấn đề ở góc độ của GM để hiểu câu chuyện rõ hơn, và qua đó có thể hình dung được tương lai thế nào.

1. GM được giá khi bán ở thời điểm này

Thị trường ôtô Việt nam đã trở thành một phần của khối ASEAN. Nghị định 116 và thông tư 03/2018 tạo nên rào cản đối với xe nhập khẩu có xuất xứ ASEAN (C/O form D), nhưng về lâu dài, những biện pháp kỹ thuật kiểu này sẽ dần bị vượt rào, thị trường sẽ lành mạnh và rõ ràng hơn. Việc duy trì một cơ sở sản xuất mà hoàn toàn không có lợi thế kinh doanh là không nên. Nhu cầu của thị trường Việt Nam có thể đáp ứng bằng năng lực sản xuất của GM tại Thái Lan. Giá thành sản xuất tại Thái lan chắc chắn sẽ thấp hơn do có lợi thế về quy mô.

GM bán cơ sở ở Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Một mình bán, đúng thời điểm, có người cần mua thì chắc chắn giá sẽ tốt. Trong vòng 2-3 năm nữa, nếu hàng loạt nhà máy liên doanh sản xuất ôtô đóng cửa và rao bán thì chẳng có nhà đầu tư nào để mắt đến nhà máy GM. Lúc đấy muốn bán thì cũng chỉ được giá bằng mức thanh lý tài sản.

2. Mục tiêu xa của VinFast

Mục tiêu VinFast không phải là việc lắp ráp xe Chevrolet và hệ thống đại lý hiện có của GM. Thứ mà VinFast cần là trở thành nhà phân phối xe ôtô nhập khẩu của GM tại Việt Nam, với tất cả các thương hiệu GMC, Cadillac, Buick, và đương nhiên có cả Chevrolet.

Nhưng quan trọng hơn, hợp đồng mới có thể giúp VinFast tham gia vào cuộc chơi toàn cầu và trở thành một Foxconn trong ngành ôtô điện. GM - VinFast sẽ giống như hình ảnh của Apple - Foxconn. Hãng sẽ đi tắt, đón đầu để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất ôtô điện, xuất khẩu đi các nước ASEAN theo hiệp định ATIGA.

Vậy vì sao lại là xe điện? Vì ôtô điện đang là xu thế của tương lai. VinFast cũng thể hiện điều đó ngay từ đầu khi cho biết sẽ sớm ra mắt mẫu ôtô điện cỡ nhỏ trong 2019.

3. Tương lai ôtô điện

Công nghệ pin phát triển cho phép ứng dụng rộng rãi trên ôtô với giá thành hợp lý. Một chiếc ôtô có thể bỏ đi động cơ đốt trong, hộp số và hệ thống truyền lực kéo. Đây là những bộ phận chiếm tỷ lệ lớn trong tổng giá thành của một chiếc xe. Vì vậy, các hãng thường chia sẻ động cơ, sử dụng cùng động cơ và hộp số trên nhiều mẫu xe, qua nhiều đời xe. Động cơ điện và pin sẽ đơn giản hơn nhiều. Động cơ điện gọn, nhẹ có thể trang bị cho nhiều mẫu xe mà không cần yêu cầu thay đổi về thiết kế khung gầm.

Công nghệ pin cho phép sạc nhanh hơn, dung lượng cao hơn và an toàn hơn. Trở ngại lớn nhất hiện nay là giá thành. Tuy nhiên, nếu sản xuất với quy mô lớn, dây chuyền chuỗi cung ứng hình thành thì có thể giảm đáng kể giá thành sản xuất pin. Đó cũng là lý do mà hầu như tất cả các hãng ôtô đã bỏ nghiên cứu công nghệ pin nhiên liệu hydro lỏng (fuel-cell).

Tương lai sẽ chỉ có mấy hãng sản xuất động cơ điện và pin cho tất cả các hãng xe trên toàn thế giới. Giá dầu thô tăng trở lại thì xu thế xe điện sẽ diễn ra càng nhanh.

Ôtô điện đơn giản nên yêu cầu về sửa chữa và phụ tùng sẽ đơn giản hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong. Dịch vụ sửa chữa chính của các đại lý ôtô hiện nay là điện - máy - gầm. Với ôtô điện, công việc này giảm đến 80%. Một đại lý cung cấp dịch vụ 3S (Sales - Service - Spare Part) cho khách hàng xe điện sẽ không cần một diện tích lớn cho xưởng dịch vụ, kho phụ tùng. Với thiết bị điện, linh kiện nào hỏng thì chỉ tháo ra và thay mới. Số lượng mã phụ tùng cũng rất thấp so với ôtô truyền thống. Dịch vụ nhanh chóng, thuận lợi và chất lượng luôn đảm bảo.

Việc xây dựng một đại lý phục vụ xe điện sẽ không yêu cầu cơ sở vật chất, nhất là diện tích đất lớn như đại lý ôtô hiện tại, mà vẫn đáp ứng đủ 3S. GM bán cả hệ thống phân phối tại thời điểm này dĩ nhiên sẽ được giá cao hơn khi xe điện bắt đầu phổ biến. Lúc đấy, một đại lý với diện tích 400-500m2 đã là quá đủ, và hệ thống đại lý bán lẻ bây giờ trở nên lỗi thời.

Không chỉ phát triển xe điện, một số hãng ôtô đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện tử vào ôtô. Công nghệ tự lái, chìa khóa điện tử, theo dõi tình trạng xe qua internet, giải trí online, thông tin tình trạng giao thông, trí tuệ nhân tạo... được các hãng đầu tư phát triển. Có hãng cũng tiết lộ tham vọng tạo ra một hệ sinh thái cho mình.

Tương lai, hãng xe có thể không cần nhà máy sản xuất khi họ chuyển tất cả các dòng sản phẩm sang ôtô điện. Ôtô sẽ được sản xuất theo mô hình kinh doanh mà Apple đang làm các sản phẩm của họ. Các hãng đầu tư mạnh vào thiết kế. Việc sản xuất sản phẩm cụ thể sẽ được đảm trách bởi đối tác, và hãng xe lúc này sẽ chỉ “sản xuất” ra ý tưởng và thiết kế cho sản phẩm, cho hệ sinh thái của mình.

Chiến lược đi đến tương lai rõ ràng không cần thiết nhà máy lắp ráp và sản xuất linh kiện. Apple chẳng có nhà máy nào, vậy mà họ sắp trở thành công ty đầu tiên đạt giá trị 1.000 tỷ USD. Sẽ thế nào nếu VinFast chuyển sản xuất xe điện với bản quyền từ GM, hoặc tự mình tạo ra?

Một chiến lược đúng đắn khi tất cả mọi người liên quan (stake-holders) đều hài lòng với những gì họ nhận được từ công việc kinh doanh, trong ngắn hạn và dài hạn. Muốn lật ngược thế cờ, "ông lớn" cần có tầm nhìn và chấp nhận mạo hiểm.

Tác giả: Độc giả Bùi Sinh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: GM Việt Nam , VinFast

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP