Mấy ngày qua, nhiều trang báo Hong Kong, Trung Quốc cùng đưa tin về sự ra đi của bà Chong Kin-wo ở tuổi 75 và đăng lại hành trình lập nghiệp phi thường của bà. 40 năm trước, bà bán rong đồ ăn tại bến phà Hong Kong và sau đó đã lập ra thương hiệu thực phẩm nổi tiếng khắp thế giới Wanchai Ferry.
Bà Chong sinh ra tại một vùng quê ở tỉnh Sơn Đông năm 1943. Cha bỏ đi, mẹ bà một mình nuôi hai con gái. Là chị cả, từ 5 tuổi, bà đã đi đào khoai cùng mẹ và lên 10 là nấu ăn cho cả nhà. Vài năm sau đó, mùa vụ thất bát, mẹ bà dẫn hai con tới thành phố cảng Thanh Đảo sinh sống và mưu sinh bằng nghề sửa chữa quần áo.
Là cô gái xinh đẹp, tốt bụng, chịu khó, bà được nhiều người theo đuổi từ thời thiếu nữ, năm 22 tuổi thì nhận lời yêu một bác sĩ gia cảnh nghèo. Họ kết hôn và sinh hai con gái. Cuộc sống gia đình êm đềm tới năm 1976 - khi chồng bà nhận tin bố mất và phải về Thái Lan chịu tang. Trước khi đi, ông nói sẽ sắp xếp để sớm đón vợ sang đoàn tụ.
Bà Chong Kin-wo cùng hai con gái nhỏ trước khi tới Hong Kong. Ảnh: Sohu. |
Năm 1977, bà Wong và hai con đến Thái Lan. Khi tới nơi, bà mới nhận ra gia đình chồng rất giàu, là một nhà buôn lụa. Điều bất ngờ hơn, chồng bà có thêm một vợ và một con trai. Ông không hề ngại ngần vì lúc đó việc đa thê ở Thái Lan là hoàn toàn bình thường. Nhưng bà không chấp nhận và nhất quyết đòi dẫn hai con gái đi, dù mẹ chồng nói: "Biết bao cô gái muốn lấy con trai ta. Tại sao cô lại cứng đầu như vậy? Ở lại đây, cô và hai đứa con sẽ suốt đời chẳng phải lo ăn, lo mặc".
Bà Chong đóng gói đồ rồi cùng con gái ra đi vào năm 1978. Khi quá cảnh ở Hong Kong, bà quyết định ở lại đó vì nhận ra tình cảnh nan giải của mình: không có nhà cửa gì ở Thái Lan lẫn Thanh Đảo và cũng chẳng muốn về hai nơi ấy nữa. Bà tin mình có tay, chân, khỏe mạnh, hai con gái đang ở bên thì không lý gì không làm việc và trụ lại nuôi con được.
Bà thuê một căn phòng không cửa sổ rộng 4 m2 ở Causeway Bay. Khi ấy, bà chẳng biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Quảng Đông - hai ngôn ngữ phổ biến ở đó. Mặc dù đã học nghề y tá ở Trung Quốc, bà đành đi rửa bát, dọn toilet tại một nhà hàng vì không xin được việc tại bệnh viện. Nhưng một lần đi làm, bà bị khách đánh chấn thương, phải vào viện.
"Tôi bị sa thải. Chủ nhà đòi tiền thuê, các con cần đến trường và phải có đồ ăn. Khi nằm trên giường bệnh, nước mắt chảy dài và cảm thấy thật bất lực", bà từng chia sẻ với Globewomen. Một nhóm nhân viên bảo trợ xã hội đã tới đề nghị giúp đỡ nhưng bà từ chối vì không muốn trở thành gánh nặng với xã hội và nghĩ mình vẫn có thể tự lo.
Suốt nhiều năm, bà mẹ hai con Chong Kin-wo miệt mài làm bánh bao rồi đi bán rong trước khi mở được cửa hàng. Ảnh: Sohu. |
Một lần, khi bà mới ra viện, có người bạn tới thăm, được ăn món bánh bao bà làm theo công thức gia truyền, đã thốt lên: "Cậu có thể đem bán bánh này, ngon lắm". Vậy là bà mẹ hai con sắm chiếc xe đẩy, chiều chiều tới bến phà bán bánh. "Lần đầu đẩy xe tới đó, tôi thấy quãng đường dài như Vạn Lý Trường Thành", bà từng viết.
Sau khi tan trường, hai con gái bà, một 8 tuổi, một 4 tuổi, thường lóc cóc theo mẹ bán hàng. Khi lớn hơn chút, con gái lớn giúp bà rửa bát. "Tôi thực sự đau lòng khi nhìn bàn tay nhỏ bé của con đỏ lựng lên vì ngâm lâu trong nước lạnh".
Vì bán hàng rong trái phép, bà luôn có nguy cơ bị bắt và lúc nào cũng phải trông trước ngó sau. Thật khó chạy thoát với xe đẩy đầy nước sôi nên bà bị cảnh sát bắt vài lần. Trong lúc con gái lớn giúp mẹ chuẩn bị bánh bao thì bé nhỏ 4 tuổi tình nguyện làm nhiệm vụ trông chừng, cứ nhác thấy bóng cảnh sát là kêu to "Mẹ ơi, chạy đi".
Một lần, khi làm nhiệm vụ "cảnh giới", cô bé mải chơi nên không để ý. Hôm đó, người mẹ bị bắt. Lúc nhận ra tình hình, bé òa khóc rồi chạy tới níu chân người cảnh sát, nài nỉ: "Chú ơi, xin hãy thả mẹ con ra. Đó không phải lỗi của mẹ. Đó là lỗi của Fung-fung (tên ở nhà của bé). Fung-fung hư quá nên không biết chú tới".
Bà Chong Kin-wo được truyền thông Hong Kong gọi là nữ hoàng bánh bao. Ảnh: Sohu. |
Nghe những lời đó, người cảnh sát trẻ mủi lòng, người mẹ cũng không cầm được nước mắt. Bà khóc không phải vì buồn cho phận mình mà bởi một tiếng nói mạnh mẽ cất lên bên trong: "Kin-wo, sao mày lại đặt gánh nặng mà ngay cả người lớn cũng không chịu nổi lên vai hai đứa trẻ. Mày có đủ phẩm chất để làm một người mẹ không?". Cũng từ đó, bà càng nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa để tiết kiệm đủ tiền mở được cửa hàng đàng hoàng.
Suốt 5 năm, bà trải chiếu lên sàn nhà ngủ, để dành khoảng nhỏ hẹp còn lại làm chỗ sản xuất bánh. Cuối cùng, bà mở được cơ sở bánh bao đầu tiên năm 1985. Năm 1987, bà mở cơ sở thứ hai và năm 1989 là cơ sở thứ 3.
Năm 1994, bà lập một cửa hàng đặc biệt và năm 1996 thì xây dựng được một nhà máy hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất ra những chiếc bánh bao tuyệt hảo.
Theo Scmp, cũng thời điểm đó, một bước ngoặt lớn xảy ra khi bà được một công ty thực phẩm lớn thứ 3 của Mỹ mời hợp tác và đưa sản phẩm vào Trung Quốc đại lục, tiếp cận thị trường rộng lớn. Những năm sau đó, sản phẩm của bà được tiêu thụ ở khắp nơi trên thế giới. Thương hiệu Wanchai Ferry cũng như uy tín của bà ngày càng lớn mạnh. Câu chuyện về cuộc đời bà đã được dựng thành một bộ phim truyền hình.
Hai con gái bà sau này đã đi du học tại Nhật, Singapore, Australia, Mỹ, châu Âu và lập gia đình ở nước ngoài. Mỗi người cũng tự gây dựng sự nghiệp và góp phần đưa sản phẩm bánh bao của mẹ đi khắp thế giới.
Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress