Tin địa phương

Từ Đình làng Xuân Thiều nghĩ về công tác quy hoạch đô thị với bảo tồn công trình kiến trúc cổ của Đà Nẵng

Sau khi bài viết đăng trên Báo Xây dựng “Đà Nẵng: Đừng để mất ngôi Đình làng cổ quý giá”, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản giao cho Sở Xây dựng Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Liên Chiểu nghiên cứu phương án giữ lại Đình làng Xuân Thiều đảm bảo cảnh quan và không gian sinh hoạt.

Đình làng cổ Xuân Thiều đã được UBND TP đồng ý giữ lại không di dời xây dựng mới ở vị trí khác.

Từ sự việc giữ lại Đình làng Xuân Thiều, chúng ta cần có một cái nhìn nhận khách quan về công tác quy hoạch đô thị và bảo tồn phát triển các công trình kiến trúc cổ của Đà Nẵng.

Trong quá trình đô thị hóa các công trình mang dấu ấn về văn hóa - lịch sử của Đà Nẵng hiện nay đang bị xóa nhòa dần. Các làng nghề, làng cổ, đền thờ cổ… hầu như đang mai một dần. Giữa các tòa nhà hiện đại, những khu đô thị mới được quy hoạch đã làm mất đi bóng dáng những công trình kiến trúc cổ nơi đây.

Đà Nẵng là thành phố trẻ, một thành phố du lịch, di sản kiến trúc không có nhiều, có thể kể đến như: Bảo tàng Chăm, thành Điện Hải, một số đình làng và một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Thế nhưng trong quy hoạch, công tác bảo tồn công trình kiến trúc cổ hầu như không được quan tâm một cách chu đáo.

Nhiều người cho rằng, các công trình cổ này lỗi thời giữa một thành phố hiện đại nên nhiều công trình cổ đã bị di dời, phá bỏ hoặc là để mặc tự hư hỏng theo thời gian. Chính vì thế trong quá trình đô thị hóa, các công trình kiến trúc cổ thường bị bỏ quên và ít được quan tâm một cách sâu sát. Một số thì thể hiện sự quan tâm cho có dẫn đến các công trình cổ thường bị ảnh hưởng nặng từ công tác quy hoạch phát triển đô thị. Ít ai biết rằng giữa sự hiện đại thì các công trình cổ là giá trị lịch sử và giá trị di sản khẳng định một bề dày lịch sử phát triển của vùng đất đó.

Vì lợi ích về đất, lợi ích về điều gì đó mang tính lợi ích của nhà đầu tư, mà khi quy hoạch không gian các công trình kiến trúc cổ, các di sản bị lấn dần. Chúng ta quên rằng vào thời điểm xây dựng, các công trình này đã uy nghi mọc lên trên một không gian thoáng đãng và rộng rãi.

Điển hình nhất đó là thành Điện Hải, theo tài liệu thì khi xây dựng, thành Điện Hải là một tòa thành đầy uy nghi, vững chãi. Thế nhưng quá trình đô thị hóa, di tích thành Điện Hải đã bị xâm hại và khuất lấp sau những ngôi nhà cao tầng, dân cư. Trong suốt nhiều năm thành Điện Hải chẳng được quan tâm, các công trình kiến trúc vì thế mà bị xuống cấp, những hành cung và kỳ đài cũng biến mất theo thời gian. Khi nhìn nhận ra thì sự việc đã rồi dù Đà Nẵng đang cố gắng quy hoạch bảo tồn lại.

Trong một phát biểu của KTS.Lê Thị Ly Na - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã có ý kiến về những vấn đề bất cập trong quy hoạch chi tiết 1/500 về tổ chức không gian kiến trúc và bất động sản, từ góc nhìn quy hoạch chiến lược và cho rằng: Có một quan điểm cần phải thống nhất đó là Quy hoạch đô thị chiến lược không những không hề sơ hở để có những nhóm lợi ích nhảy vào "ăn mòn tương lai" của con em chúng ta mà ngay bây giờ trong quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố phải quy hoạch là làm sao để bù đắp cho các thế hệ mai sau.

Đặc biệt là bù đắp những giá trị văn hoá - xã hội, văn hoá - giáo dục, tạo nên bản sắc Đà Nẵng trong hội nhập toàn cầu. Trong quy hoạch chiến lược, ngoài các khái niệm cơ bản về lý luận, chúng ta thường coi nhẹ hay làm ngơ những khái niệm cần yếu như "kết nối", "giá trị", "phù hợp" và bình đẳng.

Trở lại về sự việc Đình làng Xuân Thiều, với tầm vóc ý nghĩa thì giờ đây Đình làng Xuân Thiều cần được xem là tài sản chung của nhân dân Đà Nẵng chứ không riêng của bà con Xuân Thiều. Câu chuyện quy hoạch tuyến đường Nguyễn Tất Thành đã làm ảnh hưởng đến khuôn viên đình đã không nói tới nữa, bởi không thể nào phá bỏ được con đường đã hình thành. Nhưng không vì thế mà phá bỏ ngôi đình đã xây dựng 200 năm.

Khi chúng ta còn nhiều cách để bảo tồn, tôn tạo. Nếu di dời, xây dựng mới thì những ký ức, những bề dày lịch sử gắn với ngôi đình xưa thì không thể mang theo được. Không ai có thể chỉ vào ngôi đình mới mà nói rằng: “Đây là nơi thành lập chính quyền cách mạng thôn Xuân Thiều. Đây là điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa …”

Trao đổi với chúng tôi, KTS.Bùi Huy Trí người có nhiều tâm huyết trong việc phát huy và bảo tồn những công trình kiến trúc cổ luôn đau đáu tới đình làng Xuân Thiều, ông cho rằng: Đà Nẵng ngày nay không còn nhiều di tích. Để đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại tầm quốc tế, chúng ta còn một quãng đường rất xa. Vậy mà trên mỗi quãng ngắn, chúng ta lại vứt bỏ đi những ký ức đô thị như thế có nên chăng? Khi chưa tới đích, chúng ta đã tự làm mình thương tật, khi tới đích rồi lại chẳng nhớ mình là ai. Đó chẳng phải là tội lỗi của chúng ta với các thế hệ cha ông và con cháu hay sao?

Đây là vấn đề cần cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tôi mong lãnh đạo thành phố giao cho Hội đồng kiến trúc, quy hoạch tổ chức họp và tham mưu cho chính quyền. Đây là tổ chức có chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực, các thành viên có kinh nghiệm và sự công tâm.

Đà Nẵng hiện có 18 di tích văn hóa lịch sử vật thể quốc gia, 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 49 di tích văn hóa lịch sử cấp TP. Số lượng di tích đã quá ít ỏi song không được chú trọng nên bị xuống cấp, xâm hại. Dù trong Quy hoạch tổng thể ngành văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, Đà Nẵng đề cao “Gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của thành phố nhằm nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương. Tiến hành quy hoạch tổng thể và khoanh vùng bảo vệ các di tích.

Tác giả: Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP