Ngày 11-11, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết đã có báo cáo về việc xử lý tình trạng cá chết trôi dạt vào bãi biển Liên Chiểu vào chiều 10-11.
Cá chết dạt vào biển Đà Nẵng ngày 10-11 |
Hai ngày nay, người dân sinh sống dựa vào nghề chèo thúng đánh lưới gần bờ biển thuộc 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu vô cùng lo lắng tình trạng cá chết liên tục tấp vào bờ gây ô nhiễm nặng. Ông Trần Thế Vang (ngư dân; ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) lo lắng: "Cá mòi chết và tấp ồ ạt vào bờ như thế này thì chỉ có thể là do các ghe dùng thuốc nổ, mìn để đánh cá trái phép. Trong gần 1 năm qua, đây là lần thứ hai người dân chúng tôi chứng kiến tình trạng cá chết hàng loạt, khiến việc đánh lưới gần bờ gặp vô vàn khó khăn".
Theo ông Vang, cá chết tấp vào bờ cả tấn và kéo dài hàng cây số gây ô nhiễm đã khiến người dân không dám ra biển tắm như mọi khi. Càng lo lắng hơn khi khu vực này nằm gần cửa sông Phú Lộc, nơi lượng lớn nước thải sau xử lý của Trạm Phú Lộc xả ra biển mỗi ngày.
Đáng lưu ý, cũng trong năm ngoái, người dân từng phát hoảng với tình trạng nước biển sủi bọt, bốc mùi hôi tanh nghi do xả thải kéo dài hơn 5 km, từ cửa sông Phú Lộc ra đến bãi biển Xuân Thiều. Sau vài ngày, nước biển trở lại bình thường khi được cơ quan chức năng xác định có một loài tảo xuất hiện.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, thông tin: Hiện lượng nước thải (khoảng 40.000 m3/ngày đêm) sau xử lý ở Trạm Phú Lộc được xả tại cửa sông Phú Lộc ra biển Thanh Khê vẫn đạt loại A và không còn gây ô nhiễm như trước đây. "Một số cửa xả còn lại do chưa được xử lý triệt để nên vẫn còn gây ô nhiễm nhưng không đáng kể" - ông Mã khẳng định.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ vào ngày 10-11 cho thấy các thông số về pH, ôxy hòa tan, amoni, xyanua, phosphate so với giá trị giới hạn vùng bãi tắm… đều nằm trong giới hạn cho phép.
Vào tháng 11-2017, tình trạng cá chết hàng loạt đã từng xảy ra tại khu vực trên. Từ hình ảnh và thông tin do Sở Tài nguyên và Môi trường TP cung cấp, TS Võ Văn Phú, Khoa Sinh học - ĐH Khoa học Huế, nhận định đây là lượng cá mòi cờ chấm sống gần bờ và theo đàn nên có thể chết hàng loạt do đánh mìn.
Để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết tấp vào bờ và nhằm có biện pháp xử lý lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiểm tra tình trạng nổ mìn đánh bắt cá.
Tác giả: Vĩnh Quyên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động