Trong những ngày miền Bắc rét nhất từ đầu đông, mỗi ngày BV Châm cứu TƯ tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Trong đó chỉ tính riêng khoa Nhi tiếp nhận 5 trường hợp, khoa Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em 7 ca, chưa kể nhiều trường hợp điều trị ngoại trú cũng như đang điều trị rải rác nhiều khoa khác.
Bệnh nhi bị liệt mặt điều trị tại BV Châm cứu TƯ |
Tại khoa Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, ThS.BS Dương Văn Tâm, trưởng khoa cho biết, nguyên nhân của hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 là do bố mẹ để trẻ bị lạnh đột ngột.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhi Nguyễn Duy T. (6 tuổi, Hà Nội) bị méo mồm do theo mẹ đi tập thể dục sáng sớm. Gia đình cho biết, hàng ngày cháu T. vẫn đi tập cùng mẹ để giảm cân nên nghĩ trời lạnh mặc ấm là đủ, không ngờ con vẫn nhiễm lạnh.
Bé H. bị liệt dây thần kinh số 7 do thường xuyên tắm muộn |
Trường hợp khác là bé gái Nguyễn Thanh H. (3 tuổi, Thái Bình), bị nhiễm lạnh do thói quen tắm muộn.
Bố mẹ bé cho biết, do cả 2 đi làm về muộn nên thường xuyên tắm cho con gái vào 21h tối. Cách đây 4 ngày, buổi sáng khi ngủ dậy, gia đình bất ngờ thấy bé bị lệch miệng khi cười, ăn uống khó, không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, ăn uống rơi vãi... nên đưa con đến BV khám. BS kết luận bé H. bị liệt dây thần kinh số 7.
Tại khoa Nhi, bé Nguyễn Kiều O. (1 tuổi, Hải Dương) được chẩn đoán liệt dây thần kinh ngoại biên bên phải, vẫn đang điều trị 2 tháng nay do nhiễm lạnh.
Theo BS Tâm, không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 khi gặp lạnh đột ngột, vào mùa đông có thể do ra trời lạnh đột ngột, mùa hè mắc bệnh do bước ra ngoài điều hoà đột ngột.
Tuy nhiên vào mùa đông, số ca bệnh sẽ tăng cao hơn, đặc biệt ở trẻ nhỏ có sức đề kháng kém do không mặc quần áo đủ ấm, không che mặt khi ra trời lạnh, tắm muộn ở nơi có gió...
Nguyên nhân do khi cơ thể gặp lạnh đột ngột sẽ gây phù nề dẫn đến chèn ép dây thần kinh trong xương đá (xương sau mang tai) làm mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, gây liệt.
Khi liệt dây thần kinh số 7, biểu hiện đặc trưng là miệng lệch sang một bên, mắt nhắm không kín, nói khó, ăn hay rơi vãi và hay đọng thức ăn sang một bên…
Để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể áp dụng tây y hoặc đông y, cần điều trị sớm và đúng cách nếu không có thể để lại di chứng liệt cứng, điều trị rất khó khăn.
BS Tâm thực hiện phương pháp thủy châm cho bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 |
Trong tây y, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh chống viêm và chống phù nề. Trong đông y sẽ kết hợp nhiều phương pháp như: Điện châm, thuỷ châm, cấy chỉ cagut vào huyệt, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại nhằm làm ôn ấm các huyệt ở mặt. Cùng với đó bệnh nhân tự tập cơ mặt bằng cách tập há mồm, nhai kẹo cao su, giữ ấm cơ thể.
Để phòng bệnh, BS Tâm khuyến cáo người dân không nên ra ngoài trời lạnh đột ngột, thay vào đó nên ở trong phòng ấm 10-15 phút trước khi ra ngoài, không nên đi thể dục quá sớm, phải giữ ẩm cơ thể, không tắm quá muộn.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet