Dùng tro của nhà máy đốt rác sản xuất xi măng phải minh bạch thông tin sản phẩm. Trong ảnh là tro bay của Nhà máy rác phát điện Cần Thơ được thu gom đóng bao tạm trữ trong kho. Ảnh: Trung Chánh |
Liên quan đến phương án xử lý lượng tro, xỉ phát sinh sau khi xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện của Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ, một đơn vị thuộc quản lý của Công ty TNHH Quốc tế Everbright (Trung Quốc), thì lượng xỉ tro phát sinh dự kiến sẽ bán cho các đơn vị có nhu cầu san lấp mặt bằng. Trong khi đó, lượng tro bay sẽ dùng làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Tại buổi họp báo định kỳ quí 1-2019 mới đây, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, đã tìm ra phương án xử lý tro bay của nhà máy đốt rác phát điện nêu trên theo hướng sẽ làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Trao đổi với TBKTSG Online vấn đề nêu trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đối khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, phương án duy nhất hiện nay trong việc xử lý tro, xỉ của các nhà máy đốt rác phát điện nói chung và của Cần Thơ nói riêng là cố định lại bằng cách làm ra các cấu kiện cứng như gạch vì chôn ngoài mặt đất còn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. “Đó là cách giải quyết hiện nay, không còn cách nào khác hết”, ông nói.
Theo ông Tuấn, những phế phẩm phát sinh từ các nhà máy đốt rác được sử dụng làm vật liệu xây dựng là hướng giải quyết rất phổ biến trên thế giới. “Tuy nhiên, việc này cũng nên thận trọng vì tro xỉ nhà máy rác khác với tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than”, ông cho biết và giải thích thêm vì thành phần nguyên liệu đầu vào của nhà máy nhiệt điện là khá cố định (than), trong khi đốt rác thì nguồn đầu vào bất định, từ những nguồn khác nhau, có thể có những chất vô cơ, hữu cơ rất độc hại hoặc chứa nhiều kim loại nặng, thậm chí chất thải ra ít nhiều có thể mang cả chất phóng xạ.
Chính do thành phần đầu vào bất định nên thành phần tro, xỉ này cần phải được đánh giá rất cẩn thận. “Đồng thời, khi làm ra vật liệu xây dựng như gạch, các cấu kiện khác hoặc xi măng, thì nên sử dụng cho những công trình ít tiếp xúc với người, tránh làm những công trình như bệnh viện, nhà ở, nhà trẻ…”, ông cho biết và giải thích vì đôi khi trong tro xỉ còn chứa kim loại nặng, có thể phát tán gây độc.
Có một điểm theo ông Tuấn cần lưu ý, đó là về mặt minh bạch, trên bao bì sản phẩm phải dán nhãn và ghi rõ thành phần nguyên liệu. “Giống như trên bao xi măng ghi thành phần clinker bao nhiêu phần trăm, tro nhà máy rác bao nhiêu phần trăm để người tiêu dùng có sự lựa chọn”, ông cho biết.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất, theo ông Tuấn, là khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm làm phát sinh nhiều rác và phải phân loại tại nguồn. “Ở châu Âu, những nhà máy đốt rác trước khi đốt đã được phân loại rõ ràng nhằm giảm bớt lượng đốt càng nhiều càng tốt, tức cái gì tái chế được sẽ tái chế và họ chỉ đốt những gì cuối cùng không còn làm gì được”, ông dẫn chứng và cho biết từ kim loại đến các chất dẻo họ tìm cách tái chế và điều này giúp lượng rác bắt buộc phải đốt chiếm rất nhỏ, chỉ khoảng 30% trên tổng lượng rác thải phát sinh.
Ông khuyến cáo, về lâu dài, ở Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng cũng nên đi theo cách làm của châu Âu thông qua việc phân loại rác tại nguồn. “Do đó, đòi hỏi cả chính quyền, nhà máy và người dân phải đồng hành trong những vấn đề này thì mới bền vững”, ông nhấn mạnh.
Tác giả: Trung Chánh
Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn