Ông Võ Quan Huy (Út Huy), 61 tuổi, quê Đức Hòa có hơn 40 năm gắn bó với ruộng đồng. Từ người đi cày thuê ở khắp vùng Tây Ninh, Bình Dương, ông cứ thế tích tụ đất, trải qua đủ nghề nuôi tôm, cá rô, heo, bò... Tính đến nay, tổng quỹ đất ông Huy có trong tay là 580 ha, được xem là nông dân sở hữu đất nhiều nhất Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí là Việt Nam. Năm 2014, ông Út Huy quyết định đầu tư trồng thử nghiệm mô hình chuối sau gần 10 năm tìm tòi.
Từng đi nhiều nước trong đó có Philippines, ông Huy nhận thấy dù khí hậu, thổ nhưỡng không khác mấy so với Việt Nam, nhưng họ lại là quốc gia xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới.
Nhìn các chủ trang trại chuối bên nước bạn mỗi năm "đếm tiền mỏi tay", ông Út Huy thấy lòng tự tôn của nông dân Việt bị động chạm nên quyết sang Philippines học cho bằng được cách làm.
Từng đi nhiều nước trong đó có Philippines, ông Huy nhận thấy dù khí hậu, thổ nhưỡng không khác mấy so với Việt Nam, nhưng họ lại là quốc gia xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới.
Nhìn các chủ trang trại chuối bên nước bạn mỗi năm "đếm tiền mỏi tay", ông Út Huy thấy lòng tự tôn của nông dân Việt bị động chạm nên quyết sang Philippines học cho bằng được cách làm.
Công nhân đóng gói chuối xuất khẩu.
Nhận thấy nông dân nơi đây thành công là do trồng chuối theo quy mô lớn, quy trình công nghệ cao nên khi về nước, ông bỏ ngay cách làm cũ manh mún, chi hàng chục tỷ đồng cải tạo đất, đầu tư trồng 100ha chuối. Đặc biệt lão nông miền Tây còn mạnh dạn thuê hẳn chuyên gia người Philippines về trang trại cùng ăn, ở với công nhân.
Quá trình sản xuất chuối tại trang trại của ông Út Huy hoàn toàn khép kín từ khâu giống, chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói và có kho bảo quản riêng. Cả trang trại được tưới nước bằng hệ thống tự động với đường ống “khủng” dài 50km. Quả chuối được bao bọc cẩn thận từ lúc trái còn ở vườn đến khi thu hoạch để tránh tình trạng bị sâu bệnh ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như thẩm mỹ. Vị giám đốc nông dân này cũng cho lắp đặt hệ thống ròng rọc trên cao quanh trang trại để vận chuyển chuối tránh va đập làm hư trái. Mỗi buồng chuối nặng 40kg sẽ được tự động vận chuyển về khu xử lý khi đến thời điểm thu hoạch.
Hệ thống ròng rọc tự động vận chuyển chuối từ vườn vào xưởng.
Chuối từ trang trại của ông cũng được đặt ra hai yêu cầu khắt khe là phải sạch và đẹp. Một buồng chuối trổ đến khoảng 10 nải thì phải bẻ bông, không cho trổ tiếp vì cây không đủ sức nuôi và trái chuối bị teo tóp. Phần hoa thừa ở chóp từng trái, hoặc trái sinh đôi cũng bị loại bỏ để tạo sự cân đối, thẩm mỹ cho nải chuối.
Khâu thu hoạch, đóng gói cũng đòi hỏi khắt khe, nhân viên phải xử lý từng trái, bỏ đi trái không bảo đảm theo tiêu chuẩn. Chuối được làm sạch bụi, cắt phần cuống thừa sau đó cho vào hồ khử khuẩn để rửa chuối. Nhân viên tiếp tục vớt chuối lên, lau khô, cho vào túi dán tem thương hiệu và đưa vào kho lạnh bảo quản.
Bên cạnh đó, ông Út Huy còn tiến hành xuất khẩu cho sản phẩm của mình, hiện đã được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng như: Nhật Bản, Singapore, Malaysia…
Từ 100ha ban đầu, năm 2016 diện tích chuối của ông Huy đã mở rộng sang tỉnh Tây Ninh, tăng lên 200ha với sản lượng khoảng 4.000 tấn, giá chuối dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng một kg, mỗi năm thu lãi hàng chục tỷ đồng. Trang trại chuối của ông còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
“Mục tiêu của trang trại đến năm 2017 là sản lượng chuối sẽ đạt 8.000-10.000 tấn và vào được các thị trường Nga, Mỹ”, ông Út Huy nói.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đánh giá, mô hình trồng chuối của ông Huy theo quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn, là đại diện thương hiệu cho nông sản Long An khi ra thị trường thế giới nên rất cần được nhân rộng để giúp nông dân làm giàu.
Tác giả bài viết: Hoàng Nam
Nguồn tin: