Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; đại diện lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thực hiện 3 chức năng quan trọng về lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội sẽ thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh năm 2024; cho ý kiến với 11 dự án luật, thông qua 10 dự án luật.
Các cử tri đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Phát biểu với cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được tham gia cuộc tiếp xúc cử tri trong không khí phấn khởi của cả nước kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, đúng, trúng vấn đề của cử tri, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội. |
Trao đổi, chia sẻ một số nội dung, vấn đề được đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng đã thông báo cập nhật về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, thành phố Cần Thơ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Đối với TP. Cần Thơ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước.
Ngoài các nhiệm vụ chung với cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng mang tính đặc thù đối với Cần Thơ.
Theo đó, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch TP. Cần Thơ, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục các khó khăn, thách thức.
Thủ tướng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội. |
Thủ tướng lưu ý Cần Thơ tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".
"1 trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới ở một thành phố đầy tiềm năng như Cần Thơ.
"2 tăng cường" là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế, nhất là về kinh tế, sản xuất, tiêu dùng thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi giá trị.
"3 đẩy mạnh" gồm:
Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm (hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa...).
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo phục vụ cho chuỗi sản xuất, cung ứng cho khu vực, thế giới; đặc biệt lưu ý những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Cần Thơ.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc. |
Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo UBND thành phố đã giải trình, tiếp thu, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành sau hội nghị tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của đồng bào, cử tri, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng đã có ý kiến trả lời về các kiến nghị cụ thể của cử tri về: Giải pháp để người dân thực hiện phân loại rác thải nhằm bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 45 năm 2022 của Chính phủ; triển khai đầu tư dự án tuyến đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng (kết nối Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp) là 1 trong 3 trục dọc để phát triển kinh tế-xã hội cho TP. Cần Thơ; thực hiện dự án đường khí dẫn lô B để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 được vận hành đúng tiến độ theo kế hoạch (năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ lô B và 3 nhà máy sẽ vận hành vào năm 2026-2028); đầu tư hạ tầng, bố trí thêm cây ATM tại các địa điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong đó những người yếu thế tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; các giải giáp đồng bộ, hiệu quả để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có TP. Cần Thơ.
Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, khô hạn, úng ngập tại ĐBSCL; năm ngoái ngân sách đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng và năm nay sẽ tiếp tục cân đối, bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ này. Năm nay, ĐBSCL có khoảng 73.900 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, thấp hơn so với năm 2019 - 2020 (96.000 hộ) và 2015-2016 (210.000 hộ).
Cũng trong chương trình công tác tại Cần Thơ chiều 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát dự án tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và nghe báo cáo, đề xuất về dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP. Cần Thơ. |
Tác giả: Đăng Nguyên
Nguồn tin: toquoc.vn