Trong nước

Đề nghị ban hành nghị quyết riêng về hoạt động tiếp xúc cử tri

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu ban hành 2 Nghị quyết riêng biệt về tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình.

Sáng 12-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27-9-2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Tổ chức 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri

Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Qua 10 năm thực hiện, nhìn chung công tác tổ chức tiếp xúc cử tri; công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội; công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được tổ chức khoa học, công khai, minh bạch đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Toàn bộ kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đều được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2022, Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và chuyển chính thức 42.455 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số địa phương, việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc còn đơn điệu, chủ yếu theo chế độ hội nghị. Nội dung chủ yếu là thông tin đến cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp. Ý kiến của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội tập trung về các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, cơ sở…

Hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng; tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri; tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn nơi đại biểu ứng cử còn hạn chế.

Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, các giới, ngành, thành phần, lứa tuổi. Đối tượng tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ hưu trí; cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, ấp; những người có khiếu nại về chế độ, chính sách.

Quang cảnh phiên họp.

Xác định rõ hình thức tiếp xúc cử tri

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định pháp luật hiện hành đối với hoạt động tiếp xúc cử tri.

Về hình thức, Nghị quyết mới ban hành dưới dạng Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết mới là tổng thể hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Dự thảo nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự kiến sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2023. Dự thảo nghị quyết mới dự kiến xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, thông qua trong năm 2024 và có hiệu lực thi hành trong năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên có 2 nghị quyết riêng về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tiếp xúc cử tri của HĐND. Đồng thời, việc sửa đổi nghị quyết cũng cần xác định rõ hình thức tiếp xúc cử tri để có hướng dẫn cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay chưa có phân biệt rõ ràng giữa tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Vì vậy, cần phân biệt rõ ràng và có phương án quy định phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri.

Về tiến độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần thông qua việc sửa đổi dự thảo Nghị quyết vào đầu năm 2024 để quy định về tiếp xúc cử tri theo quy định mới được thực hiện ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với việc cần có một Nghị quyết liên tịch có sự tham gia của Chính phủ. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nội dung báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội cần bổ sung nội dung về công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thời gian qua để bảo đảm toàn diện.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu ban hành 2 Nghị quyết riêng biệt về tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, ban hành cùng lúc để tạo sự thay đổi đồng bộ.

Tác giả: Mai Hữu

Nguồn tin: hanoimoi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP