Kinh tế

Thứ trưởng Công Thương nêu giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu điện

Mùa khô, nhiệt độ tăng, nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tăng cao, phụ tải tăng cao… đã dẫn đến nguy cơ thiếu điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Thủ tướng đã họp với Bộ Công Thương và chỉ đạo bằng mọi cách đảm bảo cung ứng điện.

Ứng phó nguy cơ thiếu điện thế nào?

Những giải pháp được đưa ra là đảm bảo vận hành các nhà máy điện, khắc phục sự cố của các tổ máy; các đơn vị phải lo đủ nhiên liệu cho phát điện, đầu tiên là cung cấp than, dầu; huy động nguồn nhiên liệu khí; điều tiết hồ chứa thủy điện một cách hợp lý; triệt để tiết kiệm điện; sớm thỏa thuận giá để đưa điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hòa vào lưới điện.

Nỗi lo về cung ứng điện cơ bản tập trung tại ở miền Bắc...

Theo dự báo của Bộ Công Thương, phụ tải những ngày tới sẽ tăng cao hơn kế hoạch đã duyệt, khả năng lên 830 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, miền Nam bước vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện sẽ sớm ổn định trở lại. Do vậy, nỗi lo về cung ứng điện cơ bản tập trung tại ở miền Bắc...

“Tuy nhiên, nếu đảm bảo các tổ máy không có sự cố, vận hành tốt, nhiên liệu đủ, điều tiết các hồ hợp lý và tiết kiệm điện tốt thì chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn của cung ứng điện”, ông An cho biết.

Cùng với đó, ông An cũng cho rằng: “Phương án quan trọng không kém là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân phải triệt để tiết kiệm điện. Đây là giải pháp cuối cùng nhưng là giải pháp hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng”.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN khẩn trương thoả thuận giá, giá tạm đối với các dự án chuyển tiếp, dự án năng lượng tái tạo, khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để đấu nối lên hệ thống lưới điện.

Giá tạm tính các dự án bằng 50% so với khung giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương. Theo khung giá điện của Bộ Công Thương, giá mua điện các dự án chuyển tiếp dao động 1.508-1.816 đồng một kWh, giá tạm tính của các dự án trên khoảng 754 - 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy đang tthỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động.

“Hiện 16 dự án đã đăng ký hoà lưới điện, 5 dự án đã đủ toàn bộ hồ sơ và đủ điều kiện phát điện thương mại. Tổng công suất 5 nhà máy bằng 351MW và sẽ đấu nối, vận hành trong tuần tới. Đây là con số còn quá thấp so với thực tế”, ông An nói.

Cũng theo tính toán của Bộ Công Thương, hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%). Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng…nên chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN.

“Do vậy chúng tôi đề nghị các chủ đầu tư nỗ lực hoàn thành các thủ tục pháp lý để sớm đưa vào khai thác thương mại. Dự báo có cắt điện hay không thì chúng tôi vẫn chưa tính, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng cho các kịch bản cực đoan hơn”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Vì sao thiếu điện?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, năm nay lượng nước ở tất cả các hồ thuỷ điện đều giảm hơn 50% so với cùng thời điểm mọi năm.

Tình hình cung ứng điện có những lúc diễn biến phức tạp.

Cá biệt, cả nước hiện có 13/47 hồ thủy điện thuộc EVN và của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4500 MW). Trong đó có các hồ thủy điện lớn của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ.

Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022. Trong những tháng cao điểm nắng nóng 5, 6 và 7, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm, nguy cơ thiếu điện diễn ra hiện hữu.

Theo ông Đặng Hoàng An, hiện miền Bắc đang có nền nhiệt độ cao, nhu cầu điện cho tiêu dùng của người dân rất lớn, nhất là nguồn điện dùng cho điều hoà.

“Phụ tải 4 tháng đầu năm tương đối nhẹ, nhưng phụ tải tháng 5 chiếm 818 triệu kW điện/ngày. Riêng trong tuần vừa rồi sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất, lên đến 44.666MW, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong ngày 19/5 lập kỷ lục lên 923,9 triệu kWh. Trong bối cảnh như vậy, tình hình cung ứng điện cũng phức tạp”, ông An phân tích.

Lý giải thêm về nguyên nhân thiếu điện, ông An cho biết, cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, EVN còn gặp khó khăn vì một số tổ máy phát điện công suất lớn thời gian sửa chữa kéo dài nhưng chưa hoàn thành.

“Hiện 4 tổ máy với tổng công suất hơn 2000 kW/h đang sửa chữa chưa hoàn thành gồm: 1 tổ máy của nhà máy Nghi Sơn 2; 1 tổ máy Vũng Áng 1; 1 tổ máy Phả Lại; 1 tổ máy ở Cẩm Phả. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu điện ngày càng căng thẳng”, ông An thông tin.

Tác giả: PHẠM DUY

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP