Kinh tế

'Thủ phủ vàng mã' miền Bắc 'ảm đạm' dịp rằm tháng 7

Chỉ còn chưa đến 1 tuần nữa là sẽ chính rằm tháng 7, nhưng tại những 'thủ phủ vàng mã' miền Bắc, gồm xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và làng Phúc Am (huyện Thường Tín, Hà Nội) không khí vẫn rất đìu hiu. Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập xe máy, ô tô thương lái ra vào chở đồ cúng lễ đi các địa phương, các hộ dân tại địa phương cũng sản xuất cầm chừng...

Tại hai địa điểm được coi là "thủ phủ vàng mã" của miền Bắc là xã Song Hồ và làng Phúc Am, các cơ sở sản xuất vàng mã đều than thở rằng số lượng đơn hàng thời điểm này chưa bằng một nửa những năm trước dịch COVID-19.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, tình hình tiêu thụ vàng mã vào những dịp lễ, Tết giảm mạnh. Trước đây, vào dịp này, có nhà phải thuê thêm người, làm ngày làm đêm cho kịp đơn hàng, nhưng hiện nay chỉ duy trì những người trong gia đình gia công.

Anh Tạ Tuấn Nam, ở làng Phúc Am, chia sẻ: “Những năm trước, người dân trong làng chủ yếu sản xuất đồ phục vụ cúng tế như hình nhân, voi, ngựa… cho thu nhập khá tốt. Nhưng từ sau dịch COVID-19, số lượng đơn hàng giảm nhiều, giá thành các sản phẩm vàng mã phải điều chỉnh giảm để người dân dễ mua hơn. Vài năm trở lại đây, các hộ chủ động sản xuất thêm những mặt hàng vàng mã như quần áo, mũ, nhà… để bắt kịp với thị hiếu của người dân”.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế năm nay khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, cộng với xu hướng người dân hạn chế đốt vàng mã do nhiều vụ cháy nổ liên tục xảy ra gần đây, khiến việc tiêu thụ đồ vàng mã “ế ẩm”.

Thời điểm này, tại các cửa hàng chuyên bán đồ thờ cúng, vàng mã trên phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã trưng bày đa dạng các sản phẩm vàng mã để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Rằm tháng 7, song lượng người đến mua hàng vắng vẻ...

Hình ảnh "thủ phủ vàng mã' ảm đạm dịp Rằm tháng 7:

Hàng vàng mã tại Song Hồ vào tháng 7 hàng năm luôn đắt hàng, nhưng năm nay đã giảm nhiệt.

Các gia đình không còn thuê thêm người làm, mà chủ yếu tận dụng người trong nhà.

Theo người dân nơi đây, những năm trước, nhà nhà đều chất kín hàng, người mua, kẻ bán tấp nập từ cuối tháng 5 - 6...

Còn nay, các tuyến đường ra vào "thủ phủ" không còn cảnh ô tô, xe máy nối đuôi nhau chở hàng.

Các sản phẩm vàng mã của xã Song Hồ có tiếng khắp cả nước, về mẫu mã, màu sắc...

Nhiều gia đình hiện chỉ sản xuất cầm chừng.

Anh Nguyễn Đức Trường, ở xã Song Hồ, cho biết, năm nay, do ảnh hưởng kinh tế, đồng thời do người dân cũng thay đổi ý thức về việc đốt vàng mã, nên không còn cảnh "thức đêm thức hôm" để làm hàng.

So với mọi năm, các sản phẩm về hàng mã đều bán chậm hơn nhiều.

Các thương lái cũng không còn đổ về "thủ phủ vàng mã" để nhập hàng.

Thủ phủ vàng mã làng Phúc Am cũng "ảm đạm" trước dịp rằm tháng 7, lượng đơn hàng giảm mạnh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tuyên truyền tới các phật tử không đốt vàng mã tại các chùa trong dịp lễ Vu Lan.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, rằm tháng 7 Âm lịch theo quan niệm dân gian là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu, để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, nguồn cội. Hoạt động đốt vàng mã, được coi là hình thức tâm linh của người Việt, với quan điểm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình thực hiện hình thức này để tưởng nhớ, tri ân các đấng sinh thành.

“Người xưa có câu 'lễ bạc tâm thành', tâm thành tại tâm, không cốt lễ lạt, nên việc cúng vàng mã cũng không nhất thiết phải nhiều, phải đẹp, quan trọng nhất vẫn là ở cái tâm thành kính. Thực tế, đốt vàng mã không chỉ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ”, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

Thời gian qua, việc đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, tuyên truyền, kêu gọi hạn chế, nên thị trường vàng mã cũng giảm nhiệt. Cuối tháng 5/2024, một hộ dân tại phường Thành Công (quận Ba Đình) đốt vàng mã tại chiếu nghỉ tầng 4 của khu tập thể, đã bị chính quyền địa phương xử phạt 4 triệu đồng về hành vi: Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Trong thông báo về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 mới được công bố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lưu ý trong khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp; không đốt vàng mã.

Tác giả: Lê Phú - Thế Đoàn

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP