Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Là đô thị hạt nhân Đồng bằng sông Cửu Long
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan và thành phố Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời Chính phủ cũng chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải triển khai.
Trong đó có nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; Điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung thành phố Cần Thơ theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển các đô thị vệ tinh tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai; khu đô thị sinh thái huyện Phong Điền; đô thị truyền thống quận Ninh Kiều; đô thị hiện đại tại các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt; thực hiện thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị ở một số quận trong giai đoạn 2021 - 2025, từng bước nhân rộng ra toàn Thành phố sau năm 2025.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, ưu tiên phát triển các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; thực hiện các chính sách tập trung đất đai và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị; nghiên cứu áp dụng một số thành tựu điển hình về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước và quốc tế.
Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc hoàn thành các dự án trọng điểm kết nối nội vùng và liên vùng như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, các tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Cần Thơ 2; Nghiên cứu việc triển khai tuyến đường sắt kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ và Cà Mau;
Từng bước hoàn chỉnh các tuyến giao thông trọng điểm của Thành phố. Bao gồm: Đường vành đai phía tây thành phố Cần Thơ kết nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C, tuyến đường nối Quốc lộ 91 với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn Trà Nóc - Bình Thủy) và tuyến đường nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ (Quốc lộ 61C).
Đồng thời, hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 10.000 tấn đầu tải, 20.000 tấn giảm tải vào các cảng của thành phố Cần Thơ; Tiếp tục đầu tư phát triển Cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế có thể tiếp nhận được tàu trọng tải lớn, phù hợp với tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; nghiên cứu nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Nghiên cứu thành lập mới các khu công nghiệp dọc theo các trục giao thông phía Tây Nam của Thành phố, trên địa bàn quận Thốt Nốt và các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng và quỹ đất để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế cấp Vùng và Trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại cấp Vùng tại thành phố Cần Thơ; Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thực hành, thực nghiệm tiên tiến cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; Triển khai xây dựng và hoàn thành Dự án khu hành chính Thành phố, Trung tâm văn hóa Tây Đô…
Đặc biệt, thúc đẩy sự tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trong đó, nghiên cứu hình thành các trung tâm của Vùng về cung ứng dịch vụ logistics tập trung, đồng bộ về các dịch vụ bến bãi, kho vận để kết nối và phục vụ nhu cầu của các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt;
Nghị quyết của Chính phủ cũng cho biết sẽ xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm logistics nông - thủy sản của Vùng; chú trọng nghiên cứu phương án đầu tư, phát triển trung tâm logistics hàng không (khu phi thuế quan và logistics tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ) và khu logistics cảng Cái Cui; Thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, triển lãm trưng bày thành tựu khoa học công nghệ, hội chợ công nghệ quy mô cấp Vùng. Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch công nghệ, kết nối thành phố Cần Thơ với các trung tâm trong nước và quốc tế…
Một số chỉ tiêu phấn đấu của Cần Thơ: Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7,5 - 8%/năm; Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10 - 12,5%/năm; Tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao; Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12 - 13%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm từ 11 - 15%. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200 - 6.800 USD; Cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 54,17 - 54,73% GRDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,71 - 33,99%, nông nghiệp chiếm 5,61 - 5,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,94 - 5,95%; Tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35 - 40%; Giá trị năng suất lao động xã hội đạt 297,18 triệu đồng/lao động/năm… |
Tác giả: Phan Dương
Nguồn tin: vneconomy.vn